Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Xây dựng nền móng vững chắc từ cơ sở - Bài 2: Sinh hoạt tốt, chi bộ mạnh

- Từ những vấn đề được chỉ ra trong sinh hoạt chi bộ trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Đề án 16-ĐA/TU ngày 03/01/2020 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2020 - 2025”. Đề án đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp uỷ các cấp trên địa bàn tỉnh về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

>> Bài 1: Chi bộ yếu vì sinh hoạt “thiếu”

>> Bài cuối: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng

Phân công cấp ủy viên, cán bộ phụ trách, dự sinh hoạt chi bộ

Một trong những giải pháp quan trọng được Đề án 16 đưa ra đó là “Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy viên, công chức trong dự sinh hoạt với chi bộ và trách nhiệm của cán bộ, công chức xã sinh hoạt tại chi bộ thôn, tổ dân phố”.  Theo đồng chí Phùng Thị Tuyết Mai, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Yên, cấp ủy viên và cán bộ, công chức huyện, xã dự sinh hoạt chi bộ sẽ tập trung hướng dẫn chi ủy, đồng chí bí thư chi bộ về công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt thường kỳ, định hướng nội dung sinh hoạt chuyên đề phù hợp với từng loại hình chi bộ và nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, hằng tháng báo cáo kết quả dự sinh hoạt chi bộ với cấp có thẩm quyền… Đây cũng chính là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hằng năm.


Đồng chí Âu Thế Thái, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy dự sinh hoạt Chi bộ thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh (Sơn Dương). Ảnh: Huy Hoàng

Đến nay, việc cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh phân công cấp ủy viên, cán bộ, công chức xuống dự sinh hoạt cùng chi bộ đã được duy trì nề nếp, tạo chuyển biến tích cực trong sinh hoạt chi bộ. Đồng chí Nguyễn Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND xã Trường Sinh (Sơn Dương) cho biết: “Tôi được phân công phụ trách 4 chi bộ, gồm: Chi bộ Đồng Tâm, Thái Thịnh, Quyết Tiến, Lương Thiện”. Hằng tháng, tôi đều xuống dự sinh hoạt cùng các chi bộ. Việc phân công đảng ủy viên xuống dự sinh hoạt cùng chi bộ đã giúp các chi bộ khắc phục những hạn chế, tồn tại trong sinh hoạt như việc điều hành của bí thư chi bộ còn lúng túng, có chi bộ tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt còn thấp, chưa có nhiều đảng viên mạnh dạn phát biểu ý kiến… Từ đó giúp chi bộ sinh hoạt tốt hơn”.

Bên cạnh đó, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một số đồng chí bí thư chi bộ còn hạn chế về trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng; để củng cố và giúp đỡ chi bộ trong chuẩn bị nội dung, điều hành, tổ chức sinh hoạt chi bộ, các cấp ủy cơ sở đã thực hiện bố trí cán bộ, công chức cấp xã sinh hoạt tại chi bộ và làm phó bí thư Chi bộ. Đồng chí Trương Quang Trung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kiến Thiết (Yên Sơn) chia sẻ, đối với Chi bộ thôn Đồng Phạ, nơi có đông đồng bào dân tộc Tày và Pà Thẻn sinh sống, Đảng ủy xã đã phân công đồng chí cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã xuống sinh hoạt cùng chi bộ và được chi bộ bầu làm phó bí thư chi bộ. Đồng chí phó bí thư chi bộ đã hỗ trợ, giúp đỡ đồng chí bí thư chi bộ, cùng cấp ủy tổ chức tốt các buổi sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề, triển khai hiệu quả các nghị quyết của cấp ủy cấp trên đến cán bộ, đảng viên… Từ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên.

Phát huy vai trò người chủ trì

Bên cạnh việc phân công cấp ủy viên, cán bộ, công chức xã dự sinh hoạt chi bộ, thực tế cho thấy năng lực, kỹ năng của bí thư chi bộ có tính chất quyết định rất quan trọng đến chất lượng sinh hoạt chi bộ. Do đó, cấp ủy tỉnh, huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã quan tâm, đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn trang bị kiến thức, nghiệp vụ công tác đảng và kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi bộ cho đội ngũ bí thư, cấp ủy chi bộ. Việc tập huấn, bồi dưỡng cũng được tổ chức linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học, đặc biệt là những bí thư chi bộ ở vùng sâu, vùng xa. Đồng chí Nguyễn Văn Ước, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Hàm Yên cho biết, ngay sau khi Đề án số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trung tâm Chính trị huyện đã phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng. Trong đó, tập trung hướng dẫn các bước sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề cho 100% đồng chí bí thư chi bộ cơ sở. Công tác tập huấn được chia làm 6 cụm để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đồng chí bí thư chi bộ ở các thôn, bản tham gia.

Chi bộ thôn Bắc Triển, Đảng bộ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) trước đây sinh hoạt còn nhiều hạn chế, việc sinh hoạt chuyên đề còn mang tính hình thức do chưa chọn được vấn đề cụ thể, phù hợp… Thực hiện Đề án 16, Đảng ủy xã đã phân công 1 đồng chí là đảng ủy viên phụ trách chi bộ và 1 đồng chí đảng viên là cán bộ Địa chính xã xuống dự sinh hoạt cùng chi bộ. Theo đồng chí Hoàng Cao Thượng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bắc Triển, sau khi xuống dự sinh hoạt cùng chi bộ, các đồng chí đã hướng dẫn chi bộ quy trình sinh hoạt bảo đảm đúng quy định. Đặc biệt, hướng dẫn họp chi ủy để thống nhất nội dung trước khi họp chi bộ hằng tháng; gợi ý nội dung sinh hoạt chuyên đề phù hợp với thực tế tại thôn, bản… Nhờ vậy, việc kết luận sau mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề của bí thư chi bộ đã cụ thể, trong đó phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng công việc để chi ủy nhắc nhở, kiểm tra và kiểm điểm ở kỳ sinh hoạt sau. Việc ra nghị quyết lãnh đạo của chi bộ sát thực, phù hợp với tình hình thực tế, không còn chung chung như trước.

Thảo luận dân chủ, cởi mở

Cùng với việc chuẩn bị tốt nội dung trong sinh hoạt chi bộ, bí thư chi bộ cần phải tạo không khí dân chủ trong thảo luận, gợi mở vấn đề để đảng viên phát biểu ý kiến thảo luận, xây dựng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ. Ông Phạm Ngọc Sâm, đảng viên Chi bộ thôn Bắc Triển, Đảng bộ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) bày tỏ, khác với trước đây hầu hết rất ít đảng viên phát biểu ý kiến, nay đồng chí bí thư chi bộ chủ trì nêu vấn đề cần thảo luận rõ ràng, mỗi đảng viên được phân công nhiệm vụ cụ thể, nên không khí thảo luận trong sinh hoạt chi bộ rất sôi nổi. Đặc biệt, trong sinh hoạt chuyên đề từng quý của chi bộ đã chọn đúng nội dung là những vấn đề thiết thực được cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm như: bảo vệ môi trường, làm đường bê tông nông thôn, công tác quân sự quốc phòng… nên đảng viên tham gia nhiều ý kiến, phân tích rõ thực trạng và đề ra giải pháp thực hiện gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Lê Bích Thủy, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 3, Đảng bộ xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) chia sẻ, Chi bộ thôn có 52 đảng viên, sinh hoạt vào ngày mùng 3 hằng tháng. Nhờ chuẩn bị tốt nội dung từ sinh hoạt cấp ủy, đến kỳ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Bí thư chi bộ cùng các đồng chí trong chi ủy đã gợi mở được nhiều nội dung, vấn đề cụ thể để đảng viên thảo luận. Từ đó, giúp các đồng chí mạnh dạn phát biểu ý kiến, đặc biệt là đảng viên trẻ, góp phần xây dựng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ hiệu quả. Nhiều năm liền chi bộ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2023, thôn là thôn duy nhất trong xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Không chỉ ở loại hình chi bộ hành chính sự nghiệp, thôn, bản, cùng với nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng sinh hoạt, các chi, đảng bộ trong doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh chất lượng sinh hoạt đã có những chuyển biến rõ rệt. Đồng chí Trương Thị Nhàn, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Ngọc Lâm bày tỏ, chi bộ có 21 đảng viên, do cán bộ, người lao động là đảng viên thường xuyên đi công tác giám sát công trình và làm ở xưởng sản xuất, nên trước đây chi bộ thường tổ chức sinh hoạt vào ngày nghỉ.  Chất lượng sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Nhưng từ khi thực hiện Đề án 16, duy trì ngày sinh hoạt vào mùng 5 hằng tháng (nếu vào thứ 7 thì lùi lại vào ngày thứ 6, vào ngày chủ nhật thì đẩy lên ngày thứ 2) và chấm điểm tại mỗi kỳ sinh hoạt, chất lượng sinh hoạt được nâng lên rõ rệt. Chi ủy họp thống nhất nội dung sinh hoạt và gửi trước vào sổ tay đảng viên điện tử để mỗi đảng viên nghiên cứu, tham gia ý kiến đóng góp vào Nghị quyết lãnh đạo của chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sản xuất kinh doanh của công ty trong mỗi buổi sinh hoạt. Bí thư Chi bộ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cán bộ, đảng viên, vì vậy trách nhiệm của mỗi đồng chí được nâng lên. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, phát triển; đời sống của người lao động được bảo đảm.

Những kết quả đạt được

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng sinh hoạt ở các loại hình chi bộ đã được nâng lên. Đồng chí Nguyễn Đức Sáu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hưng Thịnh, Đảng bộ xã Trường Sinh (Sơn Dương) nói, được tham gia tập huấn, hướng dẫn điều hành kỳ sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề do Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp tổ chức, đồng chí thấy rất hiệu quả. Có những nội dung còn chưa rõ, đồng chí được trao đổi trực tiếp để rút kinh nghiệm khi về tổ chức sinh hoạt ở thôn được tốt hơn. Nhờ đó, trong năm 2024, chi bộ đã được chọn là một trong 4 chi bộ sinh hoạt mẫu được Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy về dự sinh hoạt chi bộ và  được đánh giá cao trong công tác tổ chức, điều hành sinh hoạt chi bộ.

Lãnh đạo Chi bộ thôn Hưng Thịnh, Đảng bộ xã Trường Sinh (Sơn Dương) kiểm tra đường bê tông nông thôn.

Đặc biệt, qua thực tế khảo sát, dự sinh hoạt chi bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan tham mưu ban hành Quy định 34-QĐ/TU ngày 19-5-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (thay thế cho Quy định 19) có một số nội dung không còn phù hợp sau 6 năm thực hiện. Quy định 34 đã quy định cụ thể hơn việc chấm điểm, đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, để các chi bộ thực hiện thuận lợi hơn.

Cùng với đó, việc phân công cấp ủy, cán bộ, công chức dự sinh hoạt chi bộ đã đi vào nề nếp. Đối với cấp tỉnh đã thực hiện nghiêm quy định số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 16, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã dự sinh hoạt chi bộ năm 2020 được 118 lượt (bình quân 2,62 lượt/người/năm); năm 2021 được 167 lượt (bình quân 3,48 lượt/người/năm); năm 2022 được 187 lượt (bình quân 3,90 lượt/người/năm. Từ năm 2020 đến 31/12/2022 đã có 600 lượt cán bộ, công chức cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh dự sinh hoạt chi bộ.

Đối với cấp ủy huyện, 10/10 huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã có quy định phân công cán bộ theo dõi đến từng chi bộ, nhất là chi bộ thôn, tổ dân phố. Các đồng chí cấp ủy viên cấp huyện, cán bộ, chuyên viên cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy huyện; lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các đoàn thể cấp huyện được phân công theo dõi đảng bộ, chi bộ cơ sở đã tham dự sinh hoạt chi bộ. Đồng chí Trần Hồng Minh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Sơn cho biết, thực hiện Đề án 16, cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở; cán bộ, công chức đã nghiêm túc chấp hành việc dự sinh hoạt với chi bộ theo sự phân công của cấp ủy. 100% chi bộ duy trì tốt quy định sinh hoạt định kỳ hằng tháng và sinh hoạt chuyên đề, mỗi quý 1 lần. Qua 3 năm thực hiện Đề án, toàn huyện có tổng số lượt cán bộ dự sinh hoạt chi bộ thường kỳ là trên 18.700 lượt; dự sinh hoạt chuyên đề là trên 5.800 lượt.

Từ những giải pháp cụ thể, thiết thực, thậm chí “cầm tay chỉ việc” phù hợp với tình hình thực tế của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, chất lượng sinh hoạt chi bộ trong toàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Qua đó, không chỉ thực hiện tốt Đề án 16, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả Đề án số 03-ĐA/TU ngày 12/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Huyền Linh

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục