> Bài 1: Tân Trào - Điểm hẹn lịch sử
> Bài 2: Bác sống giữa lòng Dân
Mệnh lệnh của lịch sử
Trong những câu chuyện về Bác ở Tân Trào, có một câu chuyện giản dị nhưng thấm đẫm ý nghĩa về sự cẩn trọng và lòng yêu thương đồng chí của Người. Đó là một lần đi công tác, Bác cùng hai chiến sĩ cảnh vệ lội qua suối. Bác cẩn thận, vừa đi vừa dò mực nước. Thỉnh thoảng Bác nhắc các chiến sĩ đi sau: “Chỗ này nước sâu, khéo ướt quần áo!”, “Chỗ này rêu trơn, đi cẩn thận!”.
Gần lên đến bờ, Bác trượt chân, suýt ngã. Bác xem lại chỗ vừa trượt chân và nói:
- Hòn đá đã tròn lại có nhiều rêu trơn. Hơn nữa, chỗ này sắp đến bờ, người ta thường chủ quan, nên rất dễ ngã.
Nói xong, Bác cúi xuống, nhặt hòn đá, đặt lên bờ. Bác bảo:
- Phải để nó ra đây, tránh cho người đi sau khỏi bị ngã.
Câu chuyện này một lần nữa khắc họa rõ nét hình ảnh một Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nhưng cũng vô cùng gần gũi, tỉ mỉ và luôn đặt sự an toàn, lợi ích của người khác lên trên hết.
Di tích lán Nà Nưa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tháng Tám năm 1945, không khí nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền sục sôi trong cả nước. Tại Tân Trào, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng chỉ đạo gấp rút chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa. Đầu tháng 6/1945, Người chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, chọn Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng.
Khi làm việc ở lán Nà Nưa, do điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ và khó khăn, với những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng, Bác Hồ bị ốm rất nặng. Bác sốt liên miên, lúc tỉnh lúc mê, trong những ngày đó cả thủ đô cách mạng đều lo lắng cho Bác, có người vào rừng tìm lá thuốc về sắc nước cho Bác uống, có người ra sông Phó Đáy bắt được con ba ba đem về cắt tiết nhỏ vào rượu cho Bác uống và cầu mong cho Bác mau khỏi bệnh.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp lúc đó đang ở và làm việc tại gia đình nhà ông Hoàng Trung Dân dưới làng Tân Lập, hàng ngày đồng chí thường lên lán Nà Nưa báo cáo tình hình công việc với Bác. Một hôm lên báo cáo công việc, đồng chí Võ Nguyên Giáp thấy Bác rất yếu, đồng chí đã xin phép Bác nghỉ lại với Bác, đêm ấy tỉnh lại sau cơn sốt, Người dặn dò với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”. Lúc khác Bác lại dặn “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ đảng viên và các phần tử trung kiên, trong chiến tranh du kích lúc phong trào lên ta phải hết sức phát triển vừa phát triển vừa chú ý xây dựng căn cứ cho thật vững chắc đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”. Những lời dặn dò của Bác khẳng định quyết tâm vì tấm lòng khát khao giành độc lập khi thời cơ đã chín muồi.
Hôm sau đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình sức khỏe của Bác cho các đồng chí trung ương và đi tìm người chữa bệnh cho Bác. Nhờ sự mách bảo của bà con, có một cụ lang già đến chữa bệnh cho Bác, sau khi xem mạch cho Bác, cụ già đốt cháy một thứ củ rừng hòa vào cháo loãng mời Bác uống, sau một vài lần như vậy Bác đỡ dần và tiếp tục làm việc ngay.
Ngay sau đó, tại khu rừng Nà Nưa, Bác và Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 13 đến 15/8/1945. Dự hội nghị có đại biểu các miền, các chiến khu, có cả đại biểu hoạt động ở nước ngoài. Sau khi thảo luận và phân tích về mọi mặt, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách. Ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ban bố Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Lời Bác vang vọng
Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa bế mạc thì ngay hôm sau, ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân (còn gọi Quốc dân Đại hội Tân Trào) khai mạc ở Đình Tân Trào. Dự Đại hội có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị và một số kiều bào.
Không khí tại Đình Tân Trào hôm ấy thật đặc biệt. Đình được trang hoàng đẹp đẽ, xung quanh đình được căng vải đỏ, gian giữa của đình sử dụng để triển lãm một số sách, ảnh tuyên truyền cách mạng như: Báo Việt Nam mới, Cờ giải phóng… và một số vũ khí ta thu được của địch. Gian phía tây là nơi nghỉ ngơi của các vị đại biểu, gian phía đông là nơi họp, trên sàn có những dãy ghế xếp lại bằng tre mai, phía trên là lá cờ đỏ sao vàng và bàn chủ tịch.
Chủ trì Đại hội là đồng chí Trường Chinh. Đại hội đã sôi nổi thảo luận một số vấn đề là thái độ của nhân dân ta khi quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội phát xít Nhật. Bác Hồ đã phân tích: ta với tư thế là người làm chủ đất nước và đón tiếp quân Đồng Minh với thái độ người chủ nhân đất nước. Người cũng nêu rõ phải cảnh giác đề phòng bọn thực dân Pháp có thể nấp sau quân Đồng Minh thâm nhập vào nước ta để hy vọng đặt nhân dân ta dưới ách nô lệ một lần nữa. Bác căn dặn các địa phương phải có thái độ bình tĩnh để không mắc vào âm mưu khiêu khích của Pháp và bọn phản động.
Đại hội Quốc dân (tiền thân của Quốc hội ta ngày nay) đã họp tán thành và ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch - Bác xuất hiện với cái tên Hồ Chí Minh ở Tân Trào từ ngày ấy. Đại hội cũng quy định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao.
Quốc dân Đại hội kết thúc, Bác đọc lời tổng kết chúc mừng các vị đại biểu trở về địa phương nỗ lực phấn đấu cùng toàn dân chớp lấy thời cơ đưa cách mạng đến thắng lợi. Đại hội còn tổ chức một cuộc liên hoan văn nghệ trong đình, Bác cũng tham dự và nói cùng các vị đại biểu: “Bây giờ đang vui như thế này thì ta hãy tổ chức một trò chơi vui mà học đi”. Mỗi vị đại biểu có một tiết mục góp vui, lúc bấy giờ đồng chí Nguyễn Đình Thi là thanh niên, đại biểu đại diện cho giới tri thức đã đứng lên hát bài “Thanh niên cứu quốc ca”, trong đó có câu: “Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến; tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh”.
Bài hát kết thúc mọi người hân hoan vỗ tay, Bác đợi cho không khí lắng xuống, Bác nói với đồng chí Nguyễn Đình Thi: “Bài hát của chú rất hay, nhưng chú phải đổi một câu; bây giờ chú còn gươm đâu? gươm đâu? thì không hợp nữa, mà chú phải nên hát là gươm đây, gươm đây, thời cơ đang đến thì mới kịp tình hình chung”. Lúc này mọi người đã hiểu ra và vỗ tay hoan hô Bác.
Sáng 17/8/1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Hôm đó đường rất lầy lội, Bác Hồ đi chân đất từ Lán Nà Nưa đến đình Tân Trào. Gần tới đình, Bác xuống suối rửa chân rồi lên đứng giữa các vị đại biểu trong ủy ban Dân tộc giải phóng. Thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng, giữa đất trời và khí thiêng sông núi, ngay cạnh phiến đá trước sân đình Tân Trào lịch sử, Hồ Chủ tịch đã trang nghiêm tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của Nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo Nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!”.
Lời thề ấy đã vang vọng khắp non sông. Từ Tân Trào, các vị đại biểu đã mang theo lời thề tỏa về khắp nơi, cùng toàn quốc đồng loạt đứng dậy làm cuộc Tổng khởi nghĩa lật đổ ách thực dân phong kiến. Để rồi, chỉ hơn 2 tuần sau đó, ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân đồng bào long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Tân Trào đã chứng kiến những sự kiện mang tầm vóc lịch sử: Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào ngày 16-8-1945, nơi thông qua những quyết định quan trọng cho sự nghiệp cách mạng; cây đa Tân Trào nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc lệnh xuất quân cho Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đi giải phóng Thái Nguyên - mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Những bước chân từ Tân Trào đã mở đường đi tới ngày Độc lập 2-9-1945. Tân Trào không đơn thuần là “nơi đã từng diễn ra một sự kiện”, mà là nơi khởi phát của một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Cách mạng tháng tám thành công, trước khi rời Tân Trào về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho một số cán bộ ở lại, tiếp tục củng cố khu căn cứ địa Tân Trào và Người dự báo: “Biết đâu chúng ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào một lần nữa”.
Đúng như dự báo của Bác, tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quay trở lại căn cứ địa Việt Bắc, trong đó có Tuyên Quang để bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
(còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết