Những bước chuyển mạnh mẽ của ngành Y tế - Bài 1: Chung sức, đồng lòng khống chế dịch Covid-19

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành Y tế đã cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch, đề án hàng năm của ngành và của các đơn vị để tổ chức thực hiện. Trong nhiệm kỳ này, ngành Y tế đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Công tác khám, chữa bệnh có nhiều tiến bộ; các dịch vụ kỹ thuật mới, hiện đại trong hoạt động lâm sàng và cận lâm sàng tại các tuyến y tế. Thực hiện tốt việc mở rộng các loại hình khám chữa bệnh, có chế độ và chính sách phù hợp khuyến khích phát triển xã hội hóa về lĩnh vực y tế.

>> Bài 2: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân

Báo Tuyên Quang trân trọng giới thiệu loạt 3 bài đánh giá thành tựu nhiệm kỳ của ngành y tế, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho Nhân dân:

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cán bộ Trung tâm Y tế Na Hang.

Có lẽ ít nhiệm kỳ nào, ngành Y tế vất vả như nhiệm kỳ này. Sự bùng phát của nhiều loại dịch bệnh, trong đó có dịch bệnh Covid-19 chưa từng có trong tiền lệ khiến đội ngũ y bác sĩ toàn tỉnh căng mình, chiến đấu với dịch bệnh. Bằng tinh thần trách nhiệm, sự chung sức đồng lòng của ngành y và toàn xã hội, dịch bệnh được khống chế, qua đó, tạo ra tiền đề để khắc phục mọi khó khăn, thử thách.

Vượt qua đại dịch nhờ sự đồng lòng, quyết liệt 

Covid-19 mở màn cho một nhiệm kỳ vất vả nhưng cũng vô cùng kiên cường của đội ngũ y bác sĩ Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung. Từ lúc dịch bùng phát đến lúc cao điểm, toàn tỉnh ghi nhận trên 160 nghìn ca mắc Covid-19.

Để dịch bệnh không lây lan trên diện rộng, ngay khi phát hiện các trường hợp F0, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, lực lượng y tế lập tức triển khai các biện pháp truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan đến ca bệnh để nhanh chóng bóc tách kịp thời các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng. Bác sỹ Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để ngăn chặn và khống chế kịp thời dịch Covid-19, ngành đã chủ động xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch; xây dựng phương án điều trị khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Theo bác sĩ Lưu Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khi đợt dịch Covid-19 xuất hiện tại tỉnh, tất cả cán bộ, nhân viên của khối dự phòng xác định làm việc xuyên đêm, không có ngày nghỉ, không có ngày nghỉ lễ. Bất kể khi nào có thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh, nhân viên y tế lại tức tốc lên đường làm nhiệm vụ.

Kỹ thuật viên Vũ Thị Thoa, khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ, hơn 2 năm trực tiếp thực hiện xét nghiệm Covid-19, chị đã quá quen với việc thâu đêm để làm nhiệm vụ. Đặc biệt, những thời điểm dịch bệnh phức tạp, các kỹ thuật viên trong phòng xét nghiệm không có thì giờ nghỉ ngơi. Ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh nhà.

Thực hiện nghiêm chỉnh, linh hoạt Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh đã kiểm soát được về tình hình dịch bệnh trên địa bàn của tỉnh. Bên cạnh việc nỗ lực khống chế các ổ dịch trong cộng đồng, khi làn sóng dịch bệnh thứ 4 diễn ra, ngành Y tế tỉnh đã cử trên 200 lượt cán bộ đi hỗ trợ tỉnh, thành phố chống dịch; gần 2.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, tiêm phòng vắc - xin, trực chốt, điều trị bệnh nhân F0… phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ trong các khu cách ly tập trung.

Để khống chế dịch bệnh, toàn tỉnh đã thành lập gần 100 khu cách ly tập trung; 9 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các huyện, thành phố. Đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát thành ổ dịch tại huyện Lâm Bình, ngày 13-11, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1760/QĐ-UBND về việc thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại huyện Lâm Bình, với quy mô 200 giường bệnh.

Xác định việc phòng, chống dịch Covid-19 muốn đạt hiệu quả lâu dài thì công tác triển khai tiêm vắc- xin phòng phải nhanh chóng, hiệu quả. Trên cơ sở đó, ngành Y tế đã nỗ lực bao phủ vắc - xin cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 1.100.000 lượt người tiêm vắc - xin phòng Covid-19. Đến nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát hoàn toàn.

Chủ động khoanh vùng, dập dịch

Ngoài Covid-19, giai đoạn này cũng tái xuất hiện nhiều dịch bệnh, như sốt xuất huyết, chân tay miệng, trên 1.800 ca sốt xuất huyết, tay chân miệng gần 1.000 ca... Ngoài ra, một số ca mắc viêm não, bệnh dại, liên cầu lợn, thủy đậu, tiêu chảy.

Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống dịch bệnh; tập huấn giám sát, phát hiện ca bệnh truyền nhiễm, tập huấn lấy mẫu xét nghiệm cho các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, tập huấn phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở y tế, trong cộng đồng; tư vấn, hướng dẫn các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và nhân dân về việc khử trùng trong phòng, chống dịch bệnh... Các đơn vị dự phòng và đơn vị điều trị đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện các ca mắc bệnh có thể bùng phát thành dịch để xử lý, khoanh vùng, dập dịch một cách nhanh chóng nhất.

Trong công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) là đơn vị đầu mối, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh; trong đó công tác phòng, chống dịch bệnh là hoạt động chuyên môn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Để nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tỉnh luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực xét nghiệm phòng, chống dịch cho các đơn vị y tế trên địa bàn. Phòng xét nghiệm của CDC tỉnh được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Hiện CDC có thể xét nghiệm và chẩn đoán chính xác kết quả hầu hết các mẫu bệnh phẩm các chủng cúm A (H5N1/H7N9), Mesr-CoV, Ebola, tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, sởi, định lượng được nồng độ vi rút (viêm gan, HPV, HIV), lĩnh vực hóa, thực phẩm, môi trường và xét nghiệm được Covid-19... Các chương trình y tế quốc gia và tỉnh thực hiện đạt kết quả cao, khống chế nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiến tới thanh toán và khống chế dịch bệnh; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đủ mũi cho trẻ dưới 1 tuổi nhiều năm liền đạt trên 95%.

Việc kiểm soát tốt và phòng chống kịp thời các loại dịch bệnh là điều kiện tiên quyết đảm bảo an toàn sức khỏe toàn dân. Cùng với đó, ngành y tế tập trung các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y bác sĩ đến việc kết nối với các bệnh viện tuyến trên “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao các kỹ thuật mới cho ngành y. 

Bài, ảnh: Minh Hoa

(Còn nữa)       

Tin cùng chuyên mục