>> Bài 1: Chung sức, đồng lòng khống chế dịch Covid-19
Nâng cao chất lượng nhân lực
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống y tế của tỉnh đã tích cực được cải thiện. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế nhằm tạo ra các đơn vị “có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được triển khai đồng bộ. Sau hơn 4 năm sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, các khâu trung gian, đầu mối đã được giảm bớt. Qua đó tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cũng như đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ký kết thỏa thuận hợp tác.
Cùng với việc tinh gọn bộ máy, ngành Y tế cũng chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ. Ngành tập trung đẩy mạnh việc đào tạo, sử dụng và đãi ngộ, thu hút nhân tài nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ y tế giỏi, có chính sách hỗ trợ cán bộ đi học và ưu đãi tuyển dụng các chuyên gia y tế. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 570 bác sỹ, trong đó có 2 tiến sỹ, 167 bác sỹ chuyên khoa cấp I, 32 bác sỹ chuyên khoa cấp II, 37 thạc sỹ, 332 bác sỹ đa khoa. Có 110 dược sỹ, trong đó có 16 dược sỹ chuyên khoa cấp I, 3 dược sỹ chuyên khoa cấp II, 3 dược sỹ trình độ thạc sỹ, 51 dược sỹ trình độ đại học… Nhân viên ngành y tế không ngừng nâng cao “y thuật”, học sâu “y lý”, rèn luyện “y đức” để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhằm phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh, ngành Y tế tỉnh cũng đã tăng cường ký kết thỏa thuận hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương. Điển hình như đầu tháng 11-2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Theo bác sỹ Nguyễn Hưng Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương giúp người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Đồng thời, các cán bộ chuyên môn cũng có cơ hội được tham gia đào tạo, tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Các cơ sở y tế cũng liên kết với nhiều bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương… Thông qua đó nhằm tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, tạo điều kiện để đội ngũ y, bác sỹ tiếp nhận các kỹ thuật mới. Cùng với đó, tăng cường hợp tác chẩn đoán, điều trị thông qua hình thức hội chẩn, khám bệnh, tư vấn điều trị từ xa; trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học; kết nối nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Nhờ chủ động làm chủ kỹ thuật, tự chủ điều trị tại chỗ, đảm bảo an toàn, chính xác, kịp thời, giảm chi phí điều trị cho người bệnh, các Bệnh viện Đa khoa khu vực, Trung tâm y tế các huyện cũng tập trung nguồn lực triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu vượt tuyến ngay tại cơ sở, tạo đột phá trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở.
Bác sỹ Hà Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cho biết, xác định việc tiếp cận các kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là cách giữ chân người bệnh tại tuyến cơ sở, Trung tâm luôn chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y bác sỹ. Đồng thời, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do các đơn vị tuyến Trung ương, tuyến tỉnh tổ chức. Đến nay, Trung tâm đã làm chủ được một số kỹ thuật vượt tuyến, kịp thời cứu chữa nhiều ca bệnh nặng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị ngay tại tuyến cơ sở. Bệnh nhân tại nhiều địa phương trong tỉnh tìm đến Trung tâm để khám chữa bệnh, điều trị.
Xây dựng, củng cố cơ sở vật chất
Hạ tầng y tế là một trong những trụ cột quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỉnh đã quan tâm đầu tư, tập trung các nguồn lực từng bước hoàn thiện hạ tầng y tế theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Bệnh nhân được điều trị bằng Oxy cao áp tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang.
Hiện nay, hai công trình bệnh viện trọng điểm của tỉnh đang được triển khai thực hiện đó là Dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 1.000 giường bệnh và Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm quy mô 200 giường bệnh đang trong quá trình hoàn thiện. Có 6 Trung tâm y tế, 8 phòng khám Đa khoa khu vực đã hoàn thành xây dựng mới và đưa vào sử dụng gồm Trung tâm y tế các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Lâm Bình, Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Hoa, ATK; Phòng khám Đa khoa khu vực Sơn Nam, Đông Thọ, Tân Trào (Sơn Dương), Trung Môn, Tháng 10 (Yên Sơn, Kim Bình, Minh Đức (Chiêm Hóa), Thượng Lâm (Na Hang).
Cùng với việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng được đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế. Đặc biệt Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực, Trung tâm y tế các huyện cũng được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại đảm bảo cho việc triển khai kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.450 danh mục trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Công suất sử dụng giường bệnh các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện trung bình hàng năm đạt trên 100%; tổng số lượt khám bệnh hàng năm trên 1,5 triệu lượt người.
Hệ thống y tế tuyến cơ sở cũng được ưu tiên nguồn lực để cải thiện, nâng cấp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu từng bước được đổi mới. Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 32 trạm y tế xã được đầu tư xây mới và sửa chữa. Theo bác sỹ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế, các đơn vị y tế tuyến cơ sở cơ bản có đầy đủ các phòng chức năng theo quy chuẩn của Bộ Y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Tại hệ thống y tế tuyến xã, các yêu cầu về nước sạch, an toàn vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, xử lý rác thải y tế được đảm bảo. Các máy móc, trang thiết bị được kiểm định, bảo dưỡng, bảo trì, sử dụng đúng quy định.
Sức khỏe cộng đồng vừa là điều kiện, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Việc thực hiện tốt các giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế đi đôi với xây dựng, củng cố cơ sở vật chất, hạ tầng đã và đang góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bài, ảnh: Thùy Lê
(Còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết