Bản Giáng đã gần

08:37, 22/07/2025

Trong ký ức của nhiều thế hệ giáo viên “cắm bản”,  Bản Giáng là vùng đất xa xôi cách trở của xã Trung Sơn. Chuyện ăn, ở và cả chuyện đi đến Bản Giáng là cả một hành trình gian nan vất vả khó nói bằng lời. Nhưng giờ đây, vùng đất có 90% đồng bào Nùng sinh sống đã thay đổi diện mạo. Bản Giáng của hôm nay, không còn là “miền xa” lặng lẽ trong cái nghèo như trước.

Gian nan đường vào bản

Trong ký ức của cô giáo Đỗ Thị Phương, giáo viên điểm trường Bản Giáng, Trường Mầm non Trung Sơn, đó là vùng đất xa xôi cách trở. Từ trung tâm xã Trung Sơn vào bản chỉ vẻn vẹn 14 km, nhưng 7 km là đường đất, nhiều dốc nên đi lại cũng vất vả lắm. Chuyện “vồ ếch” 3 - 4 lần trong một buổi đi lại là điều bình thường. Do giao thông cách trở nên đời sống của đồng bào ở Bản Giáng khó khăn trăm bề. Ngày đó, chuyện học của các em được xếp sau chuyện “cơm no, áo mặc” hàng ngày - Cô Phương nhớ lại.

Tỷ lệ trẻ em đến trường ở Bản Giáng đạt 100%.
Tỷ lệ trẻ em đến trường ở Bản Giáng đạt 100%.

Hành trình “cắm bản” của cô Phương và các thầy cô ở điểm trường Bản Giáng năm xưa đều đặn bắt đầu từ 6 giờ sáng. Hơn một giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy trên con đường đất gập ghềnh mới đến được trường, ấy là vào những ngày thời tiết thuận lợi. Còn vào mùa mưa lũ, các thầy cô phải gửi xe máy dưới chân dốc Bản Giáng, rồi lại đi bộ hơn 3 km đường đất để đến được điểm trường.

Khó khăn là vậy, nhưng cô Phương cùng đồng nghiệp vẫn bám trường, bám lớp dạy dỗ các em. Bởi cô suy nghĩ: “Nếu không có cái chữ thì các em lại rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo, tảo hôn, thất học. Chúng tôi phải ở đây, phải gieo chữ để thắp lên những hy vọng mới cho các em, cho tương lai của Bản Giáng”.  

Bản Giáng là thôn vùng sâu vùng xa, khó khăn của xã Trung Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Thôn có 44 hộ với 189 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 38%. Tại đây có hai điểm trường: Điểm trường Mầm non với 1 lớp nhà trẻ, 1 lớp mẫu giáo tổng cộng 14 học sinh và điểm trường Tiểu học với 1 lớp học ghép 1+3 và 1 lớp ghép 4+5 tổng cộng 24 học sinh.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thèn Văn Hiển bộc bạch: những năm trước do xuất phát điểm thấp cùng những khó khăn về địa hình, cơ sở vật chất, gây cản trở sinh hoạt và phát triển sản xuất của người dân. Toàn thôn có hơn 100 hecta đất rừng sản xuất, hơn 50 con trâu, bò. Vào mùa vụ, từ việc thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm cũng khó trăm bề. Nông sản của người dân bán ra thì rẻ hơn so với thị trường, còn hàng hóa vào đến thôn lại đắt hơn nơi khác chỉ vì đi lại quá khó.

Bản Giáng hôm nay

Trở lại Bản Giáng hôm nay, cảnh tượng đã hoàn toàn khác xưa. Con đường lầy như ruộng thụt năm nào đã được hạ độ cao, đổ bê tông phẳng lỳ. Ô tô có thể bon bon vào tận trường, tận thôn. Bản Giáng giờ đây đã khoác lên mình một chiếc áo mới đầy sức sống với những ngôi nhà kiên cố, trường học khang trang, và đặc biệt là hệ thống đường giao thông được bê tông hóa và nhựa hóa.

Đường vào Bản Giáng nay đã được trải bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.
Đường vào Bản Giáng nay đã được trải bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.

Bí thư Chi bộ Thèn Văn Hiển phấn khởi nói: Bây giờ Bản Giáng đã gần lắm rồi. Nguồn lực từ chính sách dân tộc và các chương trình mục tiêu quốc gia cùng với sự nỗ lực của đồng bào đã làm cho Bản Giáng khang trang hơn. Đặc biệt, năm 2019 sau khi được nhà nước kéo điện lưới quốc gia về bản, người dân đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm. Và niềm vui lớn nhất đến vào cuối năm 2024, khi con đường từ trung tâm xã đến thôn đã được trải bê tông rộng rãi. Dù còn khoảng 1km đường đất qua thôn chưa hoàn thành, nhưng việc đi lại, giao thương buôn bán của người dân đã thuận lợi hơn rất nhiều. Người dân có thể dễ dàng vận chuyển nông sản ra chợ, tiếp cận hàng hóa từ bên ngoài với giá cả hợp lý hơn, không còn bị ép giá như trước nữa.

Trong câu chuyện về sự đổi thay ở Bản Giáng, chúng tôi nhận ra rằng sự chuyển mình không chỉ đến từ con đường bê tông hay ánh điện sáng bừng mỗi đêm, mà còn từ chính sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy, nhận thức của mỗi người dân. Tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước đã không còn. Thay vào đó là ý chí tự lực, tự cường, khát khao vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Người Nùng ở đây giờ đã biết giữ vệ sinh môi trường, dọn đường mỗi tháng, xây chuồng trại chăn nuôi xa nhà để phòng bệnh, bảo vệ nguồn nước. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết giảm hẳn. 100% trẻ em ở thôn được đến trường. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế  đạt 100%. Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” đạt trên 90%.

Tính đến cuối năm 2024, đã có thêm 5 hộ thoát nghèo. Con số ấy tuy nhỏ, nhưng là một tín hiệu đáng mừng, một bước tiến vững chắc trên hành trình dài thoát nghèo bền vững của Bản Giáng. Giờ đây, Bản Giáng đã có 10 hộ khá giả, là kết quả của sự kiên trì, cần mẫn và khát vọng đổi đời của những người con nơi đây.

Theo chân Bí thư Chi bộ Thèn Văn Hiển, chúng tôi đến thăm gia đình ông Thèn Văn Lương, một trong những hộ tiêu biểu vươn lên thoát nghèo ở Bản Giáng. Ông Lương chia sẻ, những năm trước, thu nhập của gia đình bấp bênh, cuộc sống cứ thế quẩn quanh trong cái nghèo. Với quyết tâm thoát nghèo, ông Lương đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, trồng măng bát độ. Đến nay, gia đình ông đã trồng được hơn 8 hecta rừng keo, măng bát độ. Cuộc sống gia đình ông bây giờ không còn lo ăn từng bữa và cũng khấm khá dần lên. Năm 2024 gia đình ông đã thoát nghèo.

Bản Giáng hôm nay đã đổi khác. Chuyện lo “cơm no, áo ấm” của đồng bào cũng đã lùi vào dĩ vãng. Bản Giáng giờ đây đã khoác lên mình “tấm áo mới” với đường mới, nhà mới khang trang, kiên cố. Cuộc sống của người dân đã ấm no, đủ đầy hơn, và tràn đầy những hy vọng về một tương lai tươi sáng.

Lý Thu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cậy’Homestay của cựu chiến binh
Trong ngôi nhà sàn mộc mạc mang tên Cậy’Homestay nép mình giữa núi rừng và cánh đồng lúa mênh mông, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Cậy, 60 tuổi ở thôn Tha, phường Hà Giang 1 vẫn ngày ngày đón khách du lịch với nụ cười hiền từ và ấm áp. Ít ai biết rằng, phía sau homestay mang đậm hương núi rừng ấy là cả hành trình vượt khó, không lùi bước của một người lính từng cống hiến tuổi trẻ cho quê hương.
22/07/2025
Nặm Ngặt hồi sinh
Thôn biên giới Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy từng chịu tổn thất nặng nề bởi chiến tranh. Nhưng nay, mảnh đất này đang hồi sinh mạnh mẽ nhờ tinh thần bất khuất của người dân cùng sự tiếp sức bền bỉ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền.
18/07/2025
“Vàng xanh” giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh
Trên những đỉnh núi quanh năm sương mù bao phủ, có một loài cây cổ thụ, thân đầy rêu phong, lá đón gió trời, ướp đẫm sương đêm, phủ trắng như đọng tuyết, mang lại cho đời những vị ngọt thơm, theo chân người Dao xuống núi, “du hành” đến tận trời Âu. Đó là câu chuyện của bạt ngàn chè Shan tuyết cổ thụ trên dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ.
18/07/2025
Câu chuyện sản phẩm của OCOP
“Câu chuyện sản phẩm” trong Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) được coi như “sức mạnh mềm”, giúp sản phẩm trở nên đặc biệt và thu hút khách hàng. Câu chuyện là cách các chủ thể OCOP truyền tải thông điệp, giá trị văn hóa và bản sắc địa phương sau mỗi sản phẩm, tạo nên sự kết nối cảm xúc với người tiêu dùng, vượt ra ngoài chức năng và tiện ích thông thường.
16/07/2025