Câu chuyện sản phẩm của OCOP

07:14, 16/07/2025

“Câu chuyện sản phẩm” trong Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) được coi như “sức mạnh mềm”, giúp sản phẩm trở nên đặc biệt và thu hút khách hàng. Câu chuyện là cách các chủ thể OCOP truyền tải thông điệp, giá trị văn hóa và bản sắc địa phương sau mỗi sản phẩm, tạo nên sự kết nối cảm xúc với người tiêu dùng, vượt ra ngoài chức năng và tiện ích thông thường.

Sức mạnh vùng miền

Quyết định 1048 ngày 20/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, gồm nhiều tiêu chí, chỉ tiêu. Riêng phần “câu chuyện sản phẩm” chiếm 10 điểm/100 điểm. “Câu chuyện sản phẩm” là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm. Với OCOP, thông điệp đó còn mang cả niềm tự hào của các vùng quê về những sản vật của họ. “Câu chuyện sản phẩm” là lý do tạo nên sự khác biệt và cuốn hút mọi người. 

Ông Nguyễn Ngọc Phó
(bên phải) Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà giới thiệu trà xanh
Shan tuyết với thương nhân nước ngoài tại Hội nghị xúc tiến thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Ngọc Phó (bên phải) Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà giới thiệu trà xanh Shan tuyết với thương nhân nước ngoài tại Hội nghị xúc tiến thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên miền đá xám trùng điệp của Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi “thiếu đất, thừa đá”, quanh năm gió thổi lại ẩn chứa một điều kỳ diệu: Mùa hoa Bạc hà tím biếc và những giọt mật ong óng vàng, ngọt ngào như chính tình người vùng biên cương cực Bắc. Bạc hà nơi đây không ai trồng, tự mọc giữa đá tai mèo, kiên cường sống ở độ cao trên 1.000 m. Anh  Sùng  Mí  Phó, thôn Thành Ma Tùng, xã Sà Phìn chia sẻ: “Vào độ cuối Thu, cả vùng cao nguyên như khoác lên mình chiếc áo tím mộng mơ, khi hơn cánh đồng hoa Bạc hà đồng loạt nở. Trong cái lạnh cắt da của miền cực Bắc, loài ong nội nhỏ bé nhưng dẻo dai vẫn miệt mài bay khắp các triền núi, hút mật từ những bông hoa tím, mang về kết tinh thành món quà đặc sản mật ong Bạc hà”. Tinh hoa cực Bắc đã làm nên hương vị khác biệt của mật ong Bạc hà, sản phẩm OCOP 4 sao.

Năm 2013, mật ong Bạc hà chính thức được cấp Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc”, kể từ đó, mật ong Bạc hà không ngừng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và từng bước vươn ra quốc tế. Hiện nay, vùng Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn có tới 3.600 ha nuôi 44.000 đàn ong, sản lượng mật đạt trên 240 tấn/năm, mang về giá trị khoảng 80 tỷ đồng.

Trên những sườn núi cao ngút của vùng biên viễn, trên những sườn núi cao ngàn thước, những gốc chè Shan tuyết cổ thụ hằng trăm năm tuổi vươn mình trong mây gió. Từ nguyên liệu quý này, Hợp tác xã (HTX) Chế biến Chè Phìn Hồ đã tạo ra hai sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia: Trà xanh Phìn Hồ 100g và Hồng trà Phìn Hồ 100g. Anh Lý Thành Nhân, Giám đốc HTX tự hào chia sẻ: “Với người Dao ở Phìn Hồ, chè không chỉ là cây trồng mà là một phần của văn hóa. Búp chè được hái tay khi còn đẫm sương, rồi được sao, ủ theo phương pháp truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc”.

HTX Phìn Hồ lựa chọn con đường phát triển chè hữu cơ, không dùng hóa chất, giữ nguyên hương vị thuần khiết của núi rừng. Điều đó khiến sản phẩm trà không chỉ thơm ngon mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững. Sự công nhận 5 sao cấp Quốc gia là minh chứng cho chất lượng, nhưng hợp tác xã còn vươn xa hơn: sản phẩm đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng tầm thương hiệu trà Việt.

Đòn bẩy tiêu thụ sản phẩm

Toàn tỉnh có 509 sản phẩm đạt 3 sao OCOP trở lên, trong đó 422 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 85 sản phẩm 4 sao và đặc biệt có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.

Anh Lý Thành Nhân, Giám đốc Hợp tác xã Chế biến Chè Phìn Hồ hướng dẫn xã viên pha trà xanh Phìn Hồ.  Ảnh: Thu Phương
Anh Lý Thành Nhân, Giám đốc Hợp tác xã Chế biến Chè Phìn Hồ hướng dẫn xã viên pha trà xanh Phìn Hồ. Ảnh: Thu Phương

Sản phẩm OCOP 4 sao trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát được người tiêu dùng  ưa chuộng  không chỉ bởi  nhiều công dụng tốt mà còn vì nguyên liệu làm sản phẩm được người dân trồng ở vùng núi, khí hậu trong lành.

Chị Phạm Thị Hồng, người sáng lập ra thương hiệu Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa chia sẻ: Sau 2 năm tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm đã mang lại những giá trị tích cực góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm của HTX. Hiện nay, sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng đã có mặt trên khắp các tỉnh thành. Đặc biệt, năm 2024, trà túi lọc đậu đen xanh lòng được lựa chọn là 1 trong 7 sản phẩm nông sản được chọn xuất khẩu vào thị trường Anh quốc. Để giữ vững và mở rộng thị trường, thời gian tới, HTX tiếp tục nâng tầm sản phẩm, nâng cao chất lượng trà. Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Doanh thu của HTX từ năm 2022 đến nay khoảng 4,3 - 4,5 tỷ đồng/năm.  

Thực tế cho thấy các hộ sản xuất nhỏ, kể cả HTX, doanh nghiệp nhỏ khó có thể cạnh tranh với các đơn vị sản xuất quy mô lớn, cũng không thể bỏ tiền để quảng cáo hằng ngày, quy mô sản xuất cũng khó đủ lượng để phủ hàng ngàn siêu thị trên cả nước. Do đó, OCOP phải khai thác tiếp cận thị trường theo một cách khác, đó là dựa vào chính sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm. “Câu chuyện sản phẩm” chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP.

Đồng chí Nguyễn Xuân  Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông  nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp và triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp đơn vị tư vấn, UBND các địa phương, hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP về phát triển sản phẩm và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm, xây dựng “câu chuyện sản phẩm” có thể giúp giá sản phẩm OCOP tăng lên nhiều lần. Ngành tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tôn vinh cho các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện đặc sắc bản địa; tạo nguồn vốn và tâm thế hứng khởi giúp người dân tái đầu tư phát triển sản phẩm mới, góp phần bảo tồn được giá trị OCOP, giá trị của văn hóa bản địa.

Tài nguyên bản địa được nhận diện gắn với “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo nên giá trị kinh tế cao hơn, mang lại đời sống khá giả hơn cho nông dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Tích hợp đưa những giá trị nhân văn vào trong sản phẩm OCOP để biến thành niềm tự hào của văn hóa địa phương, xây dựng “câu chuyện sản phẩm” thấm đẫm hồn cốt của hơi thở cuộc sống và con người tạo nên sản phẩm sẽ tạo nên “sức mạnh mềm” cho sản phẩm OCOP phát triển.

Trang Tâm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người “gieo” tiếng Pà Thẻn
Điện thoại phủ sóng cả bản rồi. Internet cũng “vào” nhiều lắm. Bọn trẻ mặc quần bò, áo phông cả rồi. Chúng không nói tiếng dân tộc nữa mà nói tiếng Kinh. Chúng không hát những bài dân ca của dân tộc mình mà hát những bài nhảy nhót trong băng đĩa. Lời tâm sự của nhiều già làng trong bản khiến anh Phàn Văn Trường, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) trăn trở mãi. Vậy là, hành trình dạy học tiếng Pà Thẻn của anh bắt đầu với biết bao điều để nói…
25/06/2025
Adapting to severe climate change: A matter of survival for the entire planet
Amidst escalating threats to human life, the international community is stepping up cooperation to curb the effects of climate change.
25/06/2025
Gia đình ba đời giữ nghề phở đỏ ở Xín Mần
BHG - Giữa nhịp sống hiện đại, tại thị trấn Cốc Pài (Xín Mần), vẫn có những gia đình lặng lẽ gìn giữ nghề truyền thống bằng cả tâm huyết và lòng tự hào. Gia đình chị Lộc Thị Bích, thôn Cốc Pài, là một trong những hộ hiếm hoi còn gắn bó với nghề làm phở đỏ. Qua ba thế hệ, từ ông bà đến cha mẹ và nay là vợ chồng chị Bích, nghề làm phở đỏ không chỉ là nguồn sống mà còn góp phần gìn giữ tinh hoa ẩm thực của quê hương.
25/06/2025
Thanh âm thôn Éo
Thôn Éo là thôn 100% đồng bào Dao Thanh Y, nằm ven bờ sông Lô thuộc xã Xuân Vân. Cái tên thôn nghe là lạ, mà người già cũng không lý giải được vì sao lại có tên gọi như vậy. Ở đây, giữa ồn ào nhịp sống, những người Dao Thanh Y vẫn sống một nhịp chậm rãi và thảnh thơi, với những điệu páo dung, những sắc màu thổ cẩm độc đáo, riêng có.
15/07/2025