Cậy’Homestay của cựu chiến binh

08:25, 22/07/2025

Trong ngôi nhà sàn mộc mạc mang tên Cậy’Homestay nép mình giữa núi rừng và cánh đồng lúa mênh mông, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Cậy, 60 tuổi ở thôn Tha, phường Hà Giang 1 vẫn ngày ngày đón khách du lịch với nụ cười hiền từ và ấm áp. Ít ai biết rằng, phía sau homestay mang đậm hương núi rừng ấy là cả hành trình vượt khó, không lùi bước của một người lính từng cống hiến tuổi trẻ cho quê hương.

Cậy’Homestay có không gian xanh mát, gần gũi thiên nhiên.
Cậy’Homestay có không gian xanh mát, gần gũi thiên nhiên.

Hành trình mới sau chiến tranh

Năm 1984, chàng trai người Tày - Nguyễn Văn Cậy khi ấy vừa tròn 19 tuổi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới Vị Xuyên. Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, năm 1987 ông phục viên trở về địa phương và xây dựng gia đình. Từ đây, một hành trình mới bắt đầu với người lính Cụ Hồ.

Vốn chất lính không ngại khó, ngại khổ, ông từng làm đủ mọi việc để nuôi sống gia đình. Từ trồng lúa, trồng ngô đến chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò và làm thêm nhiều công việc khác lúc nông nhàn, nhưng kinh tế gia đình vẫn chẳng khấm khá. Cách đây hơn chục năm, khi quê hương bắt đầu được chú ý bởi khách du lịch tìm về khám phá văn hóa bản địa, ông nhận ra cơ hội đổi đời từ chính mảnh đất nghèo khó của mình.

Năm 2015, với số tiền tích cóp ít ỏi, ông Cậy sửa sang lại căn nhà sàn truyền thống của gia đình, giữ nguyên kiến trúc bản địa nhưng cải tạo sạch sẽ. Ông học cách đón khách, phục vụ bữa ăn truyền thống, kể lại những câu chuyện văn hóa dân tộc, câu chuyện thời chiến để níu chân du khách. 

 Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cậy.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cậy.

Ông Cậy chia sẻ: Ngày đầu mới làm du lịch, vốn liếng ít ỏi, tôi chỉ sắm đúng 2 tấm đệm gấp và chăn, màn để trải trên nhà sàn phục vụ khách lưu trú. Sau đó, dần dần có nhiều khách ghé thăm, không đủ chỗ nghỉ, tôi mới vay mượn thêm để đầu tư phát triển thành homestay với quy mô 25 - 30 chỗ nghỉ/đêm. Tôi cũng kết nối với các hộ khác trong thôn để cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng.

Cứ thế, Cậy’Homestay dần trở thành điểm đến được yêu thích bởi sự giản dị, mộc mạc và lòng hiếu khách. Khách du lịch đến không chỉ để nghỉ ngơi mà còn để lắng nghe những câu chuyện về văn hóa bản địa, về một cuộc chiến ở biên giới ác liệt qua lời kể của người lính già.

Người lính không bỏ cuộc

Khi quyết định khởi nghiệp với mô hình homestay, ông Cậy không chỉ gặp khó do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm mà còn đối mặt với sự ngờ vực của những người xung quanh, thậm chí là từ những người thân trong gia đình. “Ban đầu, chẳng ai tin tôi làm được. Người thì bảo già rồi, nghỉ ngơi đi. Người lại nói, mình không biết tiếng nước ngoài, khách tây sẽ không ở lại đâu”, ông Cậy cười hiền nói.

Những ngày đầu, lượng khách đến rất ít, cả tháng thu nhập không đủ trừ các khoản chi phí, lãi hầu như không có. Có lần, một đoàn khách đặt lịch rồi hủy vào phút chót, nhìn mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng, từ chỗ nghỉ sạch sẽ đến bữa cơm tươm tất, ông Cậy chỉ lặng lẽ thở dài, không trách ai cũng không dám than phiền với vợ con. 

Nhưng rồi ông vẫn kiên trì với lựa chọn của mình, chủ động tham gia các lớp tập huấn, học cách đón tiếp khách, giới thiệu ẩm thực. Mỗi khi có đoàn khách đến, ông lại xin góp ý để rút kinh nghiệm. Ông bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, học cách dọn phòng sạch sẽ, học nấu món ăn dân tộc cho hợp khẩu vị du khách, rồi tập cách nói chuyện tự nhiên, thân thiện. Những bước đi nhỏ nhưng chắc chắn đã giúp Cậy’Homestay ngày càng hút khách.

Năm 2020, khi lượng khách ổn định cũng là lúc đại dịch Covid - 19 bùng phát. Vắng bóng du khách, homestay trở nên trống vắng, suốt 3 năm ông không có nguồn thu từ du lịch, lại quay về với lúa, ngô, lợn, gà. Những luống hoa ngoài sân vẫn nở, tre trúc sau ngõ vẫn mọc cao, nhưng lòng ông thì chùng xuống, nhưng trong khó khăn ấy ông Cậy không từ bỏ. 
“Mình từng qua bom đạn, có gì mà không vượt qua được” - ông tự an ủi bản thân rồi vẫn kiên trì dọn dẹp từng gian phòng, lau lại từng khung cửa, chăm chút từng luống hoa. Đại dịch đi qua, khách lại ghé thăm homestay. Họ vui mừng khi thấy homestay vẫn sạch sẽ, vườn vẫn xanh, ông Cậy vẫn ngồi bên hiên nhà sàn kể chuyện như chưa từng vắng bóng. Tiếng nói cười lại vang trong sân, bếp lửa ấm trở lại, những bữa cơm đậm đà rau rừng, cá suối lại níu chân du khách phương xa.

Không gian bên trong chỗ nghỉ cộng đồng của Cậy’Homestay.
Không gian bên trong chỗ nghỉ cộng đồng của Cậy’Homestay.

Nhằm phát triển du lịch bền vững theo hướng thân thiện với môi trường, ông Cậy tiếp tục cải tạo homestay, ngày ngày cần mẫn dựng từng cột tre, từng tấm ván, chắt chiu từ tiền tích cóp và cả tâm huyết của một người lính già muốn níu giữ hồn quê giữa nhịp sống hiện đại.

Vài năm sau, trên nền đất ấy đã mọc lên những bungalow nhỏ xinh bằng tre trúc, mộc mạc và tinh tế. Ông cũng cải tạo ao cá, xây dựng bể bơi ngoài trời, trồng thêm hoa, cây cảnh xung quanh khiến không gian của Cậy’Homestay càng trở nên khoáng đạt, xanh mát. Với mức giá 600 nghìn đồng/phòng/đêm, những bungalow thu hút một lượng lớn du khách quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập của gia đình. Bình quân mỗi năm, gia đình ông đón trên 1.000 lượt khách, với mức thu nhập đạt trên 200 triệu đồng từ du lịch. Homestay còn tạo việc làm thời vụ cho 3 - 5 lao động địa phương khi vào cao điểm du lịch.

Từ chỗ chỉ có vài lượt khách một tháng, nay homestay của ông luôn kín phòng vào những dịp lễ, cuối tuần, thời điểm mùa lúa chín. Cũng từ đó, ông bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong bản. Một vài hộ mạnh dạn làm theo khiến thôn Tha như bừng tỉnh để nhận ra du lịch không chỉ dành cho nơi thị thành hay biển xanh, mà có thể bắt đầu từ chính nếp nhà sàn, từ bữa cơm với các món rau rừng, cá suối đạm bạc của vùng cao.

“Khách đến đây không cần máy lạnh hay ti vi. Họ cần một bữa cơm thơm mùi bếp củi, cần nghe tiếng gà gáy sáng, nhìn trẻ em nô đùa trên đường làng, hít hà mùi mạ non lẫn trong hương gió. Tôi giữ lấy những thứ đó và tuyên truyền bà con cùng nhau giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Giữ được cái hồn của bản, giữ được văn hóa dân tộc mới là điều cốt lõi để làm du lịch lâu dài”, ông Cậy chia sẻ thêm.

Từ căn nhà sàn cũ kỹ, qua những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn và tháng ngày mỏi mòn vì dịch bệnh, Cậy’Homestay giờ đây không chỉ là nơi nghỉ chân của du khách mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” giữa thời bình - luôn kiên cường, sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc.

Nguyễn Phương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nặm Ngặt hồi sinh
Thôn biên giới Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy từng chịu tổn thất nặng nề bởi chiến tranh. Nhưng nay, mảnh đất này đang hồi sinh mạnh mẽ nhờ tinh thần bất khuất của người dân cùng sự tiếp sức bền bỉ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền.
18/07/2025
“Vàng xanh” giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh
Trên những đỉnh núi quanh năm sương mù bao phủ, có một loài cây cổ thụ, thân đầy rêu phong, lá đón gió trời, ướp đẫm sương đêm, phủ trắng như đọng tuyết, mang lại cho đời những vị ngọt thơm, theo chân người Dao xuống núi, “du hành” đến tận trời Âu. Đó là câu chuyện của bạt ngàn chè Shan tuyết cổ thụ trên dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ.
18/07/2025
Câu chuyện sản phẩm của OCOP
“Câu chuyện sản phẩm” trong Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) được coi như “sức mạnh mềm”, giúp sản phẩm trở nên đặc biệt và thu hút khách hàng. Câu chuyện là cách các chủ thể OCOP truyền tải thông điệp, giá trị văn hóa và bản sắc địa phương sau mỗi sản phẩm, tạo nên sự kết nối cảm xúc với người tiêu dùng, vượt ra ngoài chức năng và tiện ích thông thường.
16/07/2025
Thanh âm thôn Éo
Thôn Éo là thôn 100% đồng bào Dao Thanh Y, nằm ven bờ sông Lô thuộc xã Xuân Vân. Cái tên thôn nghe là lạ, mà người già cũng không lý giải được vì sao lại có tên gọi như vậy. Ở đây, giữa ồn ào nhịp sống, những người Dao Thanh Y vẫn sống một nhịp chậm rãi và thảnh thơi, với những điệu páo dung, những sắc màu thổ cẩm độc đáo, riêng có.
15/07/2025