Nặm Ngặt hồi sinh
Thôn biên giới Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy từng chịu tổn thất nặng nề bởi chiến tranh. Nhưng nay, mảnh đất này đang hồi sinh mạnh mẽ nhờ tinh thần bất khuất của người dân cùng sự tiếp sức bền bỉ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Vượt nghịch cảnh
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989), Nặm Ngặt gần như bị tàn phá hoàn toàn. Toàn bộ diện tích đất của thôn bị ô nhiễm bom mìn, trở thành “trận địa” thứ hai, hiểm nguy hơn cả bởi nó ẩn mình trong từng nếp đất quen thuộc. Trưởng thôn Nặm Ngặt Đặng Văn Dàu nghẹn ngào: “Thôn có 3 trường hợp tử vong thương tâm do giẫm phải bom mìn, vật liệu nổ trong quá trình lao động, sản xuất; 9 trường hợp mang thương tật suốt đời, người mù mắt, cụt tay, người cụt chân”.
Ông Bồn Văn Hòn là một trong những nhân chứng sống của nỗi đau hậu chiến. Năm 2000, khi đi rừng lấy gỗ làm nhà cùng hai người em, một quả mìn bất ngờ phát nổ. Ông Hòn mất chân phải, em cậu Bồn Văn Đặng cũng bị cụt chân, người em còn lại vĩnh viễn không trở về. Chưa dừng lại ở đó, năm 2004, trong một lần đi chăn gia súc, ông Hòn lại giẫm phải mìn và mất đi bên chân còn lại.
![]() |
Nông sản của người dân thôn Nặm Ngặt được du khách tin tưởng chọn mua. |
Giờ đây, thân thể chỉ còn phần thân trên và đôi tay chai sần, nhưng ông Hòn vẫn kiên trì bò lên lán cao (cách nhà hơn 1 cây số) để chăn dê mỗi ngày, tự nấu ăn, sinh hoạt giữa lưng chừng núi. “Tôi cứ bò từng mét, nghỉ rồi lại bò tiếp”, ông Hòn mỉm cười chia sẻ. Đôi tay của ông không chỉ thay chân mà còn gánh trọn ý chí sống, trở thành biểu tượng nghị lực cho cả cộng đồng.
Năm 2008, anh Triệu Văn Nguyên cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi mất chân phải vì giẫm phải mìn. Vượt qua mặc cảm và đau đớn, với bên chân giả anh ngày ngày leo đồi, lội ruộng cùng vợ gây dựng kinh tế, nuôi hai con ăn học. Vì hoàn cảnh khó khăn, có thời điểm con trai lớn phải nghỉ học đi làm thuê, nhưng với sự động viên của Đoàn Thanh niên xã và gia đình, con trai anh Nguyên đã quay lại trường sau một năm nghỉ học và vừa tốt nghiệp THPT năm học 2024 - 2025. “Chúng tôi đang hướng cho cháu học nghề, vì chỉ có đi học mới có tương lai tươi sáng hơn”, anh Nguyên chia sẻ đầy hy vọng.
Câu chuyện của ông Hòn, anh Nguyên và nhiều trường hợp khác trong thôn là minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh, nhưng cũng là biểu tượng cho tinh thần kiên cường, không khuất phục của người dân nơi biên ải. Trưởng thôn Đặng Văn Dàu cho biết: “Dù có 9 lao động chính mang thương tật suốt đời do bom mìn hậu chiến, nhưng đến nay không một hộ nào trong số đó thuộc diện nghèo”.
Xây dựng biên cương no ấm
Đồng chí Chu Duy Hân, Trưởng ban Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Giai đoạn 1995 - 2021, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều đợt rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại khu vực Nặm Ngặt. Đến nay, khoảng 98% diện tích đã được xử lý, giúp người dân yên tâm sản xuất, xây dựng lại cuộc sống mới trên chính mảnh đất từng chìm trong đạn lửa.
Thôn Nặm Ngặt hiện có 65 hộ với 323 nhân khẩu, 100% là dân tộc Dao. Xác định giảm nghèo bền vững không chỉ trông chờ vào chính sách, cấp ủy, chính quyền xã và thôn đã tập trung thay đổi tư duy, nâng cao năng lực sản xuất cho người dân. Hàng loạt mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tạo thế “chân kiềng” vững chắc để Nặm Ngặt từng bước vươn lên thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Một điểm sáng trong phát triển kinh tế ở Nặm Ngặt là khai thác lợi thế từ du lịch tâm linh. Nằm tại điểm cao 468, Đền thờ các Anh hùng - Liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên trở thành “địa chỉ đỏ”, thu hút gần 10.000 lượt khách mỗi năm. Từ đó, 12 hộ dân mạnh dạn chuyển đổi tư duy sản xuất, mở quán bán đặc sản địa phương như chè Shan tuyết, mật ong rừng, dược liệu... Mỗi ngày, người dân có thể kiếm thêm từ 200 - 500 nghìn đồng.
Qua đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của thôn lên 31 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21,5%. Mặc dù kết quả trên còn khá khiêm tốn nhưng với vùng đất chất chồng khó khăn như Nặm Ngặt lại là kết quả đáng trân trọng, phản ánh nỗ lực bền bỉ của cấp ủy, chính quyền và người dân.
Không chỉ hồi sinh diệu kỳ từ tro tàn chiến tranh, Nặm Ngặt còn là biểu tượng cho tinh thần thép nơi biên cương Tổ quốc. Thượng tá Nguyễn Văn Trang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy khẳng định: “Hơn 3,2 km đường biên giới với 5 cột mốc chủ quyền tại Nặm Ngặt không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia mà còn là kết tinh của những nỗ lực âm thầm, bền bỉ từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân suốt nhiều năm qua. Từ giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội đến bảo tồn văn hóa truyền thống, tất cả đều được thực hiện một cách đồng bộ, kiên trì và đầy quyết tâm”.
Phóng sự: Thu Phương
Ý kiến bạn đọc