Những đảng viên đưa “ý Đảng” vào cuộc sống
Ở nhiều bản làng vùng cao của Tuyên Quang, những đảng viên “3 dám”: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đang từng ngày viết tiếp câu chuyện về sự chuyển mình của vùng cao từ trong tư duy, nếp sống đến diện mạo đời sống.
![]() |
Ông Phàn Giào Vạng, thôn Khá Hạ, xã Tân Quang tuyên truyền cho người thân thực hiện nếp sống văn minh. |
Tiên phong “phá rào” hủ tục
Về thôn Khá Hạ, xã Tân Quang, người dân ai cũng nhắc tới ông Phàn Giào Vạng, người trưởng thôn, đảng viên mẫu mực, người đã “cầm cờ tiên phong” trong việc bài trừ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - hai vấn đề nan giải kéo dài nhiều năm trong cộng đồng người Dao nơi đây.
Ông Vạng chia sẻ: “Toàn thôn có 32 hộ, 100% là đồng bào người Dao. Từ năm 2020 trở về trước, chuyện tảo hôn hay hôn nhân cận huyết là điều khó tránh vì phong tục đã ăn sâu trong tiềm thức người dân. Từ khi thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, năm 2021 thôn đưa ra hương ước và quy định dòng họ, trong đó có việc “tẩy chay” các đám cưới tảo hôn, phạt tiền, xóa tên khỏi dòng họ nếu vi phạm đã giúp tình trạng này gần như chấm dứt hẳn”. Để làm được điều đó, ông Vạng và những đảng viên trong chi bộ ngoài tiên phong đi đầu và vận động người thân còn trực tiếp tuyên truyền để người dân hiểu và làm theo. Những biện pháp mạnh mẽ nhưng thấm đượm tinh thần tự quản, tự giác đã giúp cộng đồng thay đổi nhận thức mà không cần đến các biện pháp hành chính cứng nhắc.
![]() |
Ông Lầu Chứ Tủa, Bí thư Chi bộ thôn Sủng Cáng, xã Sủng Máng chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Ngược lên vùng Cao nguyên đá, câu chuyện của đảng viên Sùng Sáy Nô, trưởng dòng họ Sùng, thôn Tìa Chí Dùa, xã Mèo Vạc lại là một hành trình “gạn đục khơi trong” đầy can đảm. Còn nhớ, năm 2023, khi anh trai qua đời, ông Nô đã quyết định đưa thi thể vào áo quan - điều chưa từng có trong văn hóa tang ma của người Mông địa phương. Ông là người đầu tiên dám đi ngược truyền thống, bởi ông hiểu rõ muốn thay đổi phải bắt đầu từ chính mình. “Khi Đảng đã có chủ trương thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh thì người dầu tiên cần thực hiện phải là đảng viên. Bởi bà con ở đây chỉ nghe, làm theo khi cán bộ và đảng viên là người đi đầu. Vì thế, dựa theo thực tế đời sống văn hóa từng dân tộc, tôi đã thuyết phục những người có ảnh hưởng trong cộng đồng để loại bỏ hủ tục ra khỏi đời sống người dân”, ông Nô tâm sự.
Với phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), ông Lê Văn Siểu, Trưởng thôn Vật Lậu, xã Vĩnh Tuy chọn cách “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động xóa bỏ các tập quán lạc hậu và thuyết phục bà con người Dao thay đổi những nghi lễ cưới hỏi, tang ma tốn kém, rườm rà. Đặc biệt, lễ cấp sắc - nghi lễ truyền thống quan trọng của nam giới dân tộc Dao từng khiến nhiều hộ nghèo ái ngại vì chi phí từ 8 - 10 triệu đồng, mổ nhiều gia súc. Xác định đảng viên phải là người đi đầu, làm gương cho mọi người làm theo nên anh Siểu đã vận động tổ chức cấp sắc tập thể, vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống, vừa giảm chi phí xuống chỉ còn 1 - 2,5 triệu đồng, tạo điều kiện để thanh niên được công nhận là người trưởng thành, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Giữ “hồn” dân tộc, nâng cao mức sống
Con đường bê tông dài hơn 4 km uốn mình theo lưng núi dẫn vào thôn Sủng Cáng, xã Sủng Máng vốn dốc đứng, lởm chởm đá nên muốn vào thôn phải mất gần một tiếng đi xe máy, nhưng với xi-măng được hỗ trợ, người dân góp của, góp công san lấp, xếp đá nên giờ chỉ cần vài phút là đến nơi. Có đường, nghèo đói không còn bám lấy đời sống người dân; bộ mặt thôn bây giờ nhiều đổi thay. Để có sự đồng thuận đó, công lớn thuộc về Bí thư chi bộ thôn, ông Lầu Chứ Tủa.
![]() |
Ông Tạ Quốc Hiến, thôn Đồng Hương, xã Chiêm Hóa chăm sóc vườn bưởi của gia đình. |
Đặc biệt, khi chứng kiến người dân trong thôn bỏ phong tục, tập quán để theo tà đạo và một số hộ đã di cư, Bí thư chi bộ Lầu Chứ Tủa sẵn sàng “vác tù và” giúp dân nhận ra sai lầm. Không kể ngày đêm, ông đến từng nhà để nói chuyện, tuyên truyền; dù nhà còn nghèo nhưng ông sẵn sàng mổ gà, mời rượu để giải thích cho người dân hiểu về nguồn cội tổ tiên, giúp người dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. “Do dân trong thôn nghèo, hiểu biết ít nên dễ bị lợi dụng. Sau khi được tuyên truyền, một số hộ quay lại phong tục, tập quán và thấy các hộ chăm chỉ lao động, sản xuất cũng khiến mình vui vì làm được việc nhỏ giúp cho bà con”, ông Tủa tâm sự.
Ở thôn Đồng Hương, xã Chiêm Hóa, cựu chiến binh, đảng viên, người có uy tín Tạ Quốc Hiến được bà con kính trọng không chỉ vì sự tận tâm mà bởi tinh thần “nói ít, làm nhiều”. Ông kể: khi nhà nước có chủ trương làm tuyến đường bê tông nông thôn để tạo điều kiện đi lại cho bà con; biết con đường đi qua phần đất vườn nhà, tôi sẵn sàng hiến hơn 500 m2 đất trồng cây ăn quả để làm đường.
Sau khi tiên phong đi đầu kết hợp tuyên truyền nên đã lan tỏa thành phong trào, nhiều hộ trong thôn và xã tự nguyện hiến đất làm đường. Không chỉ góp đất, ông Hiến còn là “đầu tàu” vận động người dân phát triển kinh tế, xây dựng nhà kiên cố; ông huy động nguồn lực xã hội hóa và mọi người trong thôn cùng góp sức, góp của giúp các hộ khó khăn nên đến nay toàn thôn có trên 80% số hộ có nhà xây, an cư lạc nghiệp. Mặt khác, ông tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng với quan điểm “muốn có tiếng nói thì đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, đặt lợi ích của dân lên trên hết”.
Những câu chuyện có thật, những con người đời thường với hành động cụ thể đang từng bước khẳng định vai trò, trách nhiệm, sự tiên phong, gương mẫu của người đảng viên ở cơ sở. Họ không chỉ là những người tham gia đưa nghị quyết vào cuộc sống mà chính là hiện thân sống động nhất của tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì cộng đồng. Diện mạo nông thôn đang từng ngày đổi thay, cuộc sống mới ấm no đủ đầy đang hiện hữu là thành quả được kết tinh từ những chủ trương đúng đắn của Đảng đang “thấm” vào lòng dân.
Từ việc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới đến gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mỗi đảng viên, mỗi trưởng thôn, mỗi người có uy tín đều là những “người cắm cờ trên đỉnh đổi thay” cho bản làng.
Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc