Thanh âm thôn Éo
Thôn Éo là thôn 100% đồng bào Dao Thanh Y, nằm ven bờ sông Lô thuộc xã Xuân Vân. Cái tên thôn nghe là lạ, mà người già cũng không lý giải được vì sao lại có tên gọi như vậy. Ở đây, giữa ồn ào nhịp sống, những người Dao Thanh Y vẫn sống một nhịp chậm rãi và thảnh thơi, với những điệu páo dung, những sắc màu thổ cẩm độc đáo, riêng có.
![]() |
Các thành viên Câu lạc bộ Thanh niên gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thôn Éo cùng thêu trang phục truyền thống. |
Nơi thời gian ngừng lại
- Mặt trời đã chiếu ngang sườn núi
Em ngồi ở đó, em đợi ai?
Anh đến rủ em cùng lên núi hái cây thuốc về cứu muôn dân.
- Em ngồi em đợi anh lên núi
Hái lá thuốc về để cứu người
Xóm làng mạnh khỏe vui cày cấy, dựng xây làng bản mãi yên vui.
Tiếng hát của Đặng Thị Thơm, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận, cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thôn Éo lẫn trong tiếng gió từ dòng Lô thổi lên man mác. Thơm vừa tỉ mẩn thêu chiếc yếm cho cô con gái đang độ tuổi 18, vừa nhẩn nha cất lời.
Thơm không phải là người biết hát páo dung, biết thêu thùa từ thuở lên 9, lên 10. Nữ Bí thư chi bộ thôn kể: Suốt bao năm người Dao Thanh y ở thôn Éo sống sum vầy, nhưng chỉ đơn thuần là cùng nhau sẻ chia niềm vui nỗi buồn, không ai nghĩ đến việc truyền dạy lại cho những thế hệ sau lời páo dung, điệu hát giao duyên hay đường kim mũi chỉ… Người già nghĩ việc gì đến phải đến, thiếu nữ đến tuổi yêu thì phải biết thêu, thanh niên đến tuổi tìm hiểu nhau thì phải biết hát giao duyên, như biết bao thế hệ người Dao Thanh Y ở đây vẫn đang sống theo kiểu “trời sinh voi sinh cỏ”.
Nhịp sống chảy trôi, thế hệ trẻ đi học rồi đi làm, tiếng phổ thông thay thế dần tiếng Dao, trang phục hiện đại thay thế dần trang phục truyền thống, những bài hát xập xình thay tiếng páo dung thiết tha với biết bao tầng bậc ý nghĩa… Đặng Thị Thơm thấy mọi thứ bắt đầu bất ổn.
Năm 2015, Thơm khi ấy 27 tuổi, đang là Bí thư chi đoàn thôn Éo, có trao đổi với Bí thư Đoàn xã Phúc Ninh bấy giờ là Nguyễn Tiến Hà (anh Hà giờ là Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công Xuân Vân) về những lo lắng của mình. Hà lên kế hoạch, báo cáo Đảng ủy xã và được ủng hộ thành lập CLB Thanh niên gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thôn Éo. Đặng Thị Thơm nhận vai trò Chủ nhiệm CLB, tập hợp đoàn viên, hội viên và chị em có chung đam mê, sở thích để cùng tham gia sinh hoạt. CLB duy trì ổn định 28 thành viên từ khi thành lập đến nay.
Rưng rưng tự hào
Mẹ chồng Thơm là Bàn Thị Quý - năm nay 73 tuổi trìu mến nhìn cô con dâu, khoe với khách: Con dâu ham học lắm, cũng yêu bản sắc dân tộc mình nên dạy 1 hiểu 10, vừa nhanh nhẹn đường thêu, vừa ngọt ngào tiếng hát.
![]() |
Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thôn Éo Đặng Thị Thơm. |
Thuộc thế hệ cuối của lứa 8X, nhưng khi nhận trách nhiệm đứng ra khôi phục lại những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Dao Thanh Y, Thơm cũng xăm xắn học lại tất thảy mọi việc. Cô học mẹ chồng cách dựng chiếc mũ trên đầu, học cách thêu chiếc yếm trước ngực, học những mũi thêu cổ chim bồ câu, da rắn, con cua…
Khó nhất, là đường thêu chiếc khăn trắng thắt eo. Với phụ nữ Dao Thanh Y, chiếc khăn trắng thắt eo là lời khẳng định mình đã có chồng. Từ miếng vải trắng thô đơn giản, Thơm được mẹ chồng dạy thêu từng họa tiết, đặc biệt, trên chiếc khăn trắng thắt eo, bao giờ cũng có một dòng chữ Nho được ông thầy cúng giỏi nhất trong làng viết sẵn làm mẫu, truyền từ đời này qua đời khác. Bà Quý bảo: Đó là lời dăn rạy của người xưa về cách làm người. Phụ nữ Dao Thanh Y thắt chiếc khăn trắng trên eo, với lời nhắc nhở vẹn tròn đạo đức làm dâu, làm con, làm vợ, làm mẹ…
CLB Thanh niên gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc thôn Éo là một trong những CLB của người Dao Thanh Y được thành lập sớm nhất. Người già dạy lại người trẻ, người thuần thục dạy lại người bỡ ngỡ… Cứ thế, CLB hoạt động bài bản và rất hiệu quả.
Chị Lý Thị Giang, thành viên CLB kể: Khi chị em đều biết hát, biết múa, CLB được mời tham gia rất nhiều hội diễn, buổi giao lưu… Tự hào nhất là khi đã được nhiều người biết đến, thì rất nhiều người Dao Thanh Y ở các nơi khác tìm đến thôn Éo để học, để ghi lại những điệu páo dung, những lời giao duyên xưa cũ, về truyền dạy lại cho người yêu bản sắc dân tộc ở thôn mình. Gần đây nhất, là người Dao Thanh Y ở thôn 4, xã Tân Tiến (cũ) - nay là xã Tân Long. Họ đến Éo, tay cầm theo cuốn vở học sinh, chép lại từng lời hát, điệu múa… Sau này, CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Dao Thanh Y thôn 4 được thành lập, có lẽ một phần, từ cảm hứng trong mỗi lần đến Éo, được nghe người Dao cất tiếng hát, điệu múa, được tận mắt thấy từng sắc màu hiện lên trên từng vuông vải đơn sắc mà thành.
Cái hay là khi đã “nổi tiếng”, bỗng dưng phụ nữ Dao Thanh Y thôn Éo lại có thêm một nguồn thu nhập ổn định từ việc thêu, may trang phục truyền thống. Bà Hoàng Thị Thành, Triệu Thị Ngoan cười phấn khởi, khi những chiếc khăn, chiếm yếm, chiếc áo dài các bà thêu không chỉ được người Dao Thanh Y trong tỉnh đặt mua, mà “xuất khẩu” đến tận Quảng Ninh rồi.
Lý Thị Ngoan, cô học trò mới tốt nghiệp lớp 12, cũng vừa gia nhập CLB. Ngoan bảo: Dẫu còn vụng về đường kim mũi chỉ, nhưng em thích lắm. Bởi lẽ, mỗi ngày được chứng kiến tình yêu của bà, của mẹ với hồn cốt quê hương, mình như thấy được trách nhiệm của chính mình với việc “nối” tình yêu ấy đến những ngày sau nữa.
Và có lẽ, với đồng bào nơi đây, ngay cả khi không còn sức cất lên điệu páo dung, con mắt không còn tinh anh để luồn kim se chỉ, thì hồn làng vẫn còn khi những người trẻ như Thơm, như cô trò nhỏ 2007 Lý Thị Ngoan vẫn thắp lửa mỗi ngày.
Trần Liên
Ý kiến bạn đọc