Thành công từ khác biệt
Anh Hoàng Văn Nghiệp, cựu cán bộ xã ở thôn 7, Lực Hành, đã chứng minh có những con đường thành công được tạo ra từ sự khác biệt. Anh tự nguyện từ bỏ công việc ổn định để cùng vợ chăm sóc con cái và thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chàng trai trẻ không chỉ sở hữu vườn bưởi “VIP” lớn nhất vùng mà còn là một nông dân 4.0 luôn tìm tòi, đổi mới, nhạy bén đưa nông sản vươn xa.
Bắt đầu từ chữ “tâm”
Người ta thường nói: “Cuộc đời vốn dĩ là những ngã rẽ”. Với Hoàng Văn Nghiệp, ngã rẽ lớn nhất không nằm ở chốn đô thị phồn hoa mà ngay tại con đường làng quen thuộc ở thôn 7, xã Lực Hành. Vốn là một cán bộ đoàn xã năng nổ, nhiệt huyết, công việc ổn định, tương lai rộng mở, vậy mà một ngày anh khiến không ít người ngỡ ngàng khi quyết định tự nguyện xin nghỉ.
Lý do đơn giản: “Con cái ốm đau phải đi bệnh viện chạy chữa liên tục. Vợ một mình chăm con vất vả quá, anh thấy không đành lòng”. Anh Nghiệp cười hiền, ánh mắt lấp lánh đầy kỷ niệm rồi bảo: “Lúc đó, tôi nghĩ tại sao mình không thử làm giàu trên chính mảnh đất cha ông để lại? Vừa có thời gian lo cho gia đình, vừa thực hiện được ước mơ ấp ủ bấy lâu”. Suy nghĩ ấy đã thôi thúc anh tiếp nối nghề trồng bưởi truyền thống của gia đình.
![]() |
Anh Hoàng Văn Nghiệp, thôn 7, xã Lực Hành chăm sóc vườn bưởi đỏ nhung của gia đình. |
Năm 2018, khởi đầu với diện tích chưa đầy 2 ha. Nhờ sự nhạy bén của một người trẻ, anh Nghiệp nhanh chóng tiếp thu các kiến thức kỹ thuật canh tác bưởi theo hướng hữu cơ. Kể từ đó, anh chính thức “nên duyên” với nghề nông, và ước mơ lớn ấy đã thực sự bén rễ từ 400 gốc bưởi Diễn đầu tiên.
Không dừng lại ở việc tự trồng, anh Nghiệp còn nghĩ xa hơn: phải tìm đầu ra cho nông sản của bà con. Anh trở thành một thương lái chính hiệu - vừa thu mua bưởi, cam của nông dân trong tỉnh, vừa tự mình lăn lộn tìm thị trường tiêu thụ ở tỉnh bạn.
Thời gian đầu, từ một cán bộ xã chuyển mình thành thương lái, anh Nghiệp ví đó như hành trình “mò kim đáy bể”. Anh kể, giọng đầy suy tư: “Tôi không biết cách bảo quản, hàng hỏng liên tục. Đầu mối bán hàng thì bấp bênh, có lúc còn bị lừa mất trắng cả 30 triệu đồng tiền hàng. Với gia cảnh khi đó, số tiền ấy lớn lắm”.
Giọng anh chùng xuống rồi bỗng rạng rỡ trở lại khi nói về điều đã giữ anh đứng vững: “Nhưng tôi có một nguyên tắc thép khi làm ăn, đi buôn phải có tâm. Mình có thể bị lừa, có thể lỗ vốn nhưng đã hứa với bà con chốt đúng giá, mua cả vườn là mua hết, tuyệt đối không bùng kèo. Nhờ giữ vững chữ tín đó, dần dần, bà con tin tưởng, tôi mới xây dựng được mạng lưới thu mua vững chắc và tìm được những đầu mối tiêu thụ ổn định hơn”.
![]() |
Nhiều người đến check-in vườn bưởi của gia đình anh Hoàng Văn Nghiệp. |
Chính cái tâm ấy đã trở thành thương hiệu của Hoàng Văn Nghiệp. Mỗi năm, trang trại của anh xuất đi khoảng 7.000 quả bưởi và 170 tấn cam, một con số đáng nể đối với một thanh niên “tay ngang” chỉ vài năm trước. Chiếc xe tải mới toanh đậu trước sân nhà không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn là thể hiện cho sự chủ động, tự tin của anh trên hành trình làm giàu từ nông nghiệp.
“Người tình” của cây bưởi
Song hành với nghiệp bán buôn, anh Hoàng Văn Nghiệp luôn dành trọn tâm huyết phát triển, chăm sóc vườn bưởi. Anh không ngừng học hỏi, bôn ba khắp cả nước, từ những trang trại lớn đến những nhà vườn nhỏ để “tầm sư học đạo”. “Cây bưởi dễ trồng nhưng để có quả chất lượng, ngon thì thực sự cần sự chăm chút, kỳ công và cái tâm của người trồng” anh đúc rút.
Anh Nghiệp ví von quá trình chăm sóc bưởi như chăm sóc một đời người: “Lúc phục hồi cây sau thu hoạch tựa như chăm sóc người mẹ sau sinh. Còn khi cây ra nụ, nở hoa thì tựa như chăm chút em bé sơ sinh, phải nhẹ nhàng nâng niu từng cánh hoa, nhụy hoa. Rồi cây kết quả cũng giống như trai tráng dậy thì, người trồng phải biết cách hỗ trợ, bổ sung để quả phát triển, năng suất”. Nghe anh nói, chúng tôi hình dung ra cả một tình yêu lớn lao mà anh dành cho những “đứa con” xanh mướt của mình.
Nhờ sự chăm sóc chu đáo và cái tâm ấy, bưởi Diễn của gia đình anh Nghiệp nhanh chóng có thương hiệu trên thị trường, nổi tiếng không chỉ ở Tuyên Quang mà còn vươn tới các tỉnh bạn với những quả tép to, múi đều, ngọt lịm. Nhưng tài năng của anh không dừng lại ở đó, năm 2020, anh lại khiến nhiều người trầm trồ khi thử nghiệm tạo hình và khắc chữ trên quả bưởi Diễn để phục vụ thị trường Tết.
![]() |
Những quả bưởi được tạo hình từ đôi bàn tay anh Hoàng Văn Nghiệp. |
Những quả bưởi tròn đều, không tì vết, được ép khuôn từ khi còn non, tạo ra các hình thỏi vàng, hồ lô, mặt Phật cùng chữ “Tài”, “Lộc”. Thành quả là những tác phẩm nghệ thuật có giá 150 - 200 nghìn đồng/quả, gấp 10 lần so với bưởi thường. Anh Nghiệp còn là một người trẻ nhạy bén bán hàng qua mạng xã hội. Anh thường xuyên livestream trên facebook quảng bá, bán bưởi cho khách. Nhiều năm qua, thông qua mạng xã hội, nhiều khách hàng hiếu kỳ còn tìm đến tận vườn để “check-in”.
Năm 2022, anh Nghiệp một lần nữa chứng minh sự nhạy bén của mình. Nhận thấy xu hướng thị trường đang hướng về những giống quả độc đáo, anh bắt tay vào nghiên cứu bưởi nhung. Không lâu sau, anh quyết định ghép toàn bộ 400 gốc bưởi Diễn sang giống bưởi đỏ nhung - một quyết định táo bạo. “Bưởi nhà tôi là bưởi đỏ nhung cuống dai, đỏ nhung đông cao, có màu đỏ tự nhiên, căng bóng, mùi thơm dịu, và quan trọng nhất là để được vài tháng không hỏng, rất phù hợp để thờ cúng, biếu tặng”, anh tự hào giới thiệu.
Hiện tại, vườn bưởi nhung của Hoàng Văn Nghiệp tự hào là một trong những vườn bưởi đỏ nhung lớn nhất nhì xã. Loại bưởi này được giới sành chơi ví von là “cây ăn quả VIP”. Một quả bưởi đỏ đẹp, đúng dịp Tết, có thể bán vài trăm nghìn đồng. Không chỉ trồng, anh Nghiệp còn nhạy bén tạo hình chữ “Tài, Lộc” cho bưởi đỏ, bán ra 150 - 200 nghìn đồng/quả vào dịp Tết.
Với triết lý “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, anh Nghiệp không giữ “bí kíp” làm giàu cho riêng mình. Anh tích cực liên kết với hàng chục hộ nông dân trong xã, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và cung cấp giống cành chiết, mắt ghép bưởi đỏ nhung. Anh Nghiệp là người dễ trải lòng và thoải mái. Hễ ai đến nhà, anh đều vô tư kể hết mọi cách thức làm ăn mà không một chút đắn đo, nghi ngại.
Không bằng lòng với những gì đang có, anh chia sẻ: “Dự định thời gian tới anh tiếp tục đi nhiều nhà vườn tỉnh bạn, tìm hiểu những cách làm để nâng cao chất lượng cây bưởi”. Anh giải thích thêm rằng, việc nâng cao chất lượng không chỉ dừng lại ở kỹ thuật canh tác mà còn bao gồm việc nghiên cứu sâu hơn về dinh dưỡng cho cây, tối ưu hóa điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng khu vực trong vườn. Anh muốn mỗi quả bưởi Lực Hành khi đến tay người tiêu dùng phải thực sự là một sản phẩm tốt nhất, ngon nhất, an toàn nhất. Đó là lời cam kết, cũng là mục tiêu của người nông dân đầy tâm huyết này.
Giang Lam
Ý kiến bạn đọc