“Vàng xanh” giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh
Trên những đỉnh núi quanh năm sương mù bao phủ, có một loài cây cổ thụ, thân đầy rêu phong, lá đón gió trời, ướp đẫm sương đêm, phủ trắng như đọng tuyết, mang lại cho đời những vị ngọt thơm, theo chân người Dao xuống núi, “du hành” đến tận trời Âu. Đó là câu chuyện của bạt ngàn chè Shan tuyết cổ thụ trên dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ.
Vùng chè Shan tuyết đặc biệt
Sáng sớm, chúng tôi men theo con đường mòn dẫn lên thôn Tham Vè, xã Cao Bồ, một trong những “thủ phủ” chè cổ thụ nằm dọc dãy Tây Côn Lĩnh. Giữa đại ngàn rừng già, những cây chè Shan tuyết cổ thụ sừng sững như chứng nhân của thời gian, rễ bám sâu vào đất, tán vươn cao giữa tầng mây, thân phủ đầy rêu mốc. Cụ Đặng Văn Cành, năm nay gần tám mươi tuổi, lặng lẽ chạm tay vào thân chè cổ, nói nhỏ như trò chuyện với người bạn cũ: “Khi tôi sinh ra, cây chè này đã lớn. Nó ở đây lâu hơn cả đời người”.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 19.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ, trải dài dọc theo dãy Tây Côn Lĩnh, phủ khắp các xã, phường như: Cao Bồ, Thượng Sơn, Việt Lâm, Thanh Thủy, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Dịch, phường Hà Giang 1 và vươn lên cả những dãy núi cao của các xã Hồng Thái, Côn Lôn, Thượng Nông.
![]() |
Người Dao xã Thanh Thủy thu hoạch chè Shan tuyết cổ thụ trên dãy Tây Côn Lĩnh. |
Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất, ngon nhất, đặc biệt nhất vẫn là chè ở dải Tây Côn Lĩnh, nơi chiếm trên 93% diện tích chè Shan tuyết toàn tỉnh. Vùng chè này được Hội Chè thế giới ITC (Luân Đôn) và Hội Chè Việt Nam xác nhận là vùng chè hữu cơ khổng lồ, lớn nhất Việt Nam và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý.
Chè Shan tuyết cổ thụ sinh sống ở độ cao từ 700 m trở lên so với mực nước biển, có tuổi đời hằng trăm năm. Nhiều cây chè sinh sống trên đỉnh cao 2.000 m, tuổi đời trên 500 năm có giá trị vô cùng lớn. Khí hậu nơi đây lạnh, ẩm, quanh năm mây mù bao phủ, lá chè ngậm sương, tắm gió mà lớn lên, chính điều kiện sống đặc biệt đó đã tạo nên sản phẩm chè có chất lượng và hương vị đặc trưng, hiếm nơi nào có được.
Các nhà khoa học đánh giá, đây còn là kho tàng gen quý hiếm, mang giá trị đặc biệt cho việc bảo tồn và phát triển giống chè cổ ở Việt Nam. Hiện toàn tỉnh có 1.629 cây chè Shan tuyết cổ thụ hằng trăm tuổi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đồng thời, có 11.611 ha chè thuộc 65 vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP (VietGAP, hữu cơ).
Mỗi tách trà Shan tuyết khi pha lên, màu vàng sánh như mật, hương nhẹ như gió núi, vị chan chát đầu lưỡi rồi ngọt hậu nơi cuống họng. Đó là thứ vị không thể sao chép, là hồn cốt của khí trời, của những mùa mưa, nắng được ủ lại trong từng búp chè non, gói trọn tinh hoa của đất và người nơi biên viễn.
“Vàng xanh” trên đỉnh núi
Mùa này, mặt trời lên sớm, nhưng sương vẫn giăng khắp lối, những thân chè rêu phong ẩn hiện giữa làn sương mờ, tạo nên khung cảnh như lạc vào miền cổ tích. Chị Bàn Thị Hom, dân tộc Dao, thôn Xà Phìn, xã Thanh Thủy đã dành trọn thanh xuân cho tình yêu với cây chè cổ thụ. Chị Hom kể: “Từ nhỏ em đã theo mẹ lên núi hái chè, sao chè thủ công, rồi mang xuống chợ xã bán. Sau này, học xong đại học, em không ở lại thành phố mà trở về, khởi nghiệp từ cây chè Shan tuyết. Với người Dao nơi đây, chè không chỉ là tiềm năng kinh tế, mà là mạch sống”.
Hiện, chị Hom đã mở xưởng chế biến, đầu tư trang thiết bị, liên kết với 10 hộ dân trong thôn bao tiêu toàn bộ sản lượng chè búp tươi, chế biến thành nhiều dòng sản phẩm đặc biệt như: Chè 1 tôm 1 lá, 1 tôm 2 lá, trà Mẫu Đơn, trà ống lam, trà Phổ Nhĩ, Bạch trà, Bạch tiên, Móng rồng… Mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, gia đình chị thu về hơn 150 triệu đồng.
![]() |
Chị Phạm Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn (bên phải) giới thiệu các dòng trà cao cấp đang hợp tác chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ. |
Để nâng tầm giá trị chè Shan tuyết, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mở hướng phát triển mới, trong đó, Công ty TNHH Thành Sơn, phường Hà Giang 1, tiên phong nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ. Trong căn nhà đặc biệt được làm bằng hơn 2 tấn chè Shan tuyết lên men, chị Phạm Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn kể về hành trình bền bỉ của mình trên vùng nguyên liệu rộng hơn 400 ha dọc theo dãy Tây Côn Lĩnh.
Công ty hiện có các dòng sản phẩm chính gồm: Hồng trà, Bạch tiên trà, Trà bánh, Trà xanh… trong đó, Bạch tiên trà được hái từ độ cao trên 2.000 m so mực nước biển và cây chè có tuổi đời trên 500 năm có giá trị đặc biệt, lên tới gần 20 triệu đồng/kg. Trà của Thành Sơn nhiều lần đạt giải thưởng quốc tế danh giá, góp phần khẳng định vị thế trà Việt trên bản đồ thế giới. “Chè Shan tuyết cổ thụ là sản vật quý mà thiên nhiên ban tặng cho Tuyên Quang.
Vì thế, ngoài trà uống, chúng tôi phát triển thêm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, đồ uống từ chè để người tiêu dùng có thể thưởng trà theo nhiều cách khác nhau. Và cũng để người dân vùng chè có thu nhập ổn định, nhiều hộ đạt mức 30 - 60 triệu đồng/năm”, chị Hải chia sẻ.
Trong định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, chè Shan tuyết được xác định là một trong những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế lớn. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 14.000 ha chè Shan tuyết cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 68.000 tấn/năm, riêng vùng Tây Côn Lĩnh chiếm hơn 62.000 tấn.
Tỉnh hiện có 102 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở chế biến chè. Mỗi năm, giá trị sản xuất ngành chè đem lại trên 700 tỷ đồng, khẳng định vị thế của loại cây này không chỉ trên phương diện nông sản, mà còn là động lực phát triển kinh tế vùng cao. Bởi thế, chè Shan tuyết được ví như “vàng xanh” giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh, thứ vàng không sáng chói, mà thấm sâu, bền bỉ, vươn lên, nuôi sống con người và thắp sáng khát vọng vươn xa của một vùng đất khó.
Hành trình vươn ra thế giới
Con đường từ vùng chè cổ thụ trên đỉnh núi đến các kệ hàng trà cao cấp ở châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan... là hành trình dài, khó khăn, nhưng khẳng định thương hiệu chè Shan tuyết Tuyên Quang và khát vọng của những con người dám nghĩ lớn ở mảnh đất vùng cao.
Năm 2008, Hợp tác xã (HTX) chế biến chè Phìn Hồ ra đời tại thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên với 50 thành viên là người Dao đỏ, với mục tiêu làm cầu nối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, đưa thương hiệu chè Shan tuyết đến với người tiêu dùng trong nước, quốc tế. Đến năm 2018, với sự đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại và chiến lược quảng bá hiệu quả, lần đầu tiên, hơn 20 tấn chè khô của HTX được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, đánh dấu sự vươn tầm của thương hiệu Fìn Hò Trà.
![]() |
Sản phẩm của Hợp tác xã Chế biến Chè Phìn Hồ đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. |
Không dừng lại ở đó, Fìn Hò Trà tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm trà cao cấp như: Trà xanh, Hồng trà, Bạch trà, Phổ Nhĩ sống, trà ướp nhài, trà rừng (Móng rồng, Shan tiên, Hồng trà tiên) với sản lượng trên 670 tấn/năm. HTX tập trung xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đăng ký chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ châu Âu (EU Organic Standard), từng bước chuẩn hóa vùng nguyên liệu để chè Shan tuyết có thể chạm ngõ những thị trường khó tính nhất như châu Âu, Mỹ.
Sản phẩm của HTX giành nhiều giải thưởng danh giá như: Giải Vàng quốc tế Bạch trà, Giải Bạc trà xanh châu Á, giải vàng cuộc thi Golden Leaf Awards 2024 tại Úc, và đặc biệt là chứng nhận OCOP 5 sao quốc gia cho sản phẩm Trà xanh và Hồng trà. Từ đây, các sản phẩm của HTX tiếp tục chinh phục nhiều thị trường như Pháp, Đức, Đài Loan, bán trên nền tảng số của Amazon với sản lượng xuất khẩu trên 100 tấn/năm.
Tại xã Cao Bồ, nhiều tổ hợp tác, hộ sản xuất đang liên kết xuất khẩu chè sang thị trường quốc tế. Anh Đào Minh Tuấn, thành viên HTX chè Cao Bồ cho biết: “Chè của chúng tôi chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Đài Loan theo đơn đặt hàng. Tuy sản lượng xuất khẩu chưa nhiều, nhưng bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, tạo động lực để bà con tiếp tục chăm sóc, phát huy giá trị cây chè Shan tuyết”.
Hiện, Công ty TNHH Thành Sơn đang hợp tác sản xuất và giới thiệu các dòng trà cao cấp để xuất khẩu sang Mỹ. Chè Shan tuyết cổ thụ của tỉnh đã có mặt tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, mở ra những chuyến du hành “trà Việt đến trời Tây” mang theo nhiều kỳ vọng.
Dựa trên tiềm năng, lợi thế về vùng chè Shan tuyết, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đã chú trọng xây dựng hơn 40 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao quốc gia. Chè Shan tuyết Tuyên Quang còn được lựa chọn để phục vụ tiệc trà tiếp đãi các nguyên thủ quốc gia, khẳng định chất lượng và tầm vóc giá trị thương hiệu.
Tuy nhiên, cây chè cổ hiện đang đối mặt không ít khó khăn. Phần lớn diện tích chưa được thâm canh đúng kỹ thuật. Các mối liên kết theo chuỗi giá trị chưa bền vững. Và thị trường quốc tế, dù rộng mở, nhưng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và tiêu chuẩn.
Bởi vậy, để những búp chè Shan tuyết phát triển bền vững, cần những bước đi bài bản và đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn; trong đó chú trọng quy hoạch lại vùng chè cổ thụ, bảo tồn cây di sản, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn quốc tế; phát triển mô hình du lịch sinh thái, khám phá vùng chè cổ thụ gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa; tăng cường đầu tư hạ tầng vùng chè; ban hành cơ chế hỗ trợ riêng cho cây chè cổ thụ; đồng thời nâng cao vai trò quản lý của địa phương trong bảo tồn và phát triển vùng chè cổ.
Biện Luân
Đồng chí Nguyễn Đình Tuyên, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Cao Bồ
Nguồn tài nguyên cần được đánh thức
![]() |
Cây chè Shan tuyết cổ thụ là nguồn tài nguyên quý giá, gắn với đời sống, văn hóa của đồng bào Dao xã Cao Bồ. Toàn xã hiện có trên 820 ha chè Shan tuyết, trong đó có 273 cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè hiện còn hạn chế, năng suất bình quân mới đạt khoảng 7,9 tạ/ha, thu nhập người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên 35%.
Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động người dân giữ gìn diện tích chè hiện có, từng bước chuyển sang sản xuất hữu cơ, chế biến sạch. Đặc biệt, dự án “Tăng cường năng lực bảo tồn, phát huy giá trị quần thể chè Shan tuyết cổ thụ gắn với cải thiện sinh kế” đang được triển khai tại xã, với các hoạt động tập huấn kỹ thuật cho người dân, xây dựng mô hình thí điểm, phát triển du lịch cộng đồng gắn với cây chè. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là bước đột phá để người dân vừa giữ rừng, bảo tồn giống chè quý, vừa nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.
Anh Lý Thành Nhân, Giám đốc Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ
Xây dựng hình ảnh gắn với văn hóa bản địa
![]() |
Để xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia, chúng tôi xác định chiến lược toàn diện, bài bản và kiên trì. Với Fìn Hò Trà, điều quan trọng nhất là chuẩn hóa toàn bộ chuỗi sản xuất từ vùng nguyên liệu hữu cơ đạt chuẩn châu Âu, kỹ thuật chế biến bán thủ công, cho đến bao bì và truy xuất nguồn gốc.
Khó khăn lớn nhất chính là thay đổi tư duy sản xuất của bà con từ truyền thống sang hiện đại, nhưng khi vượt qua được, chúng tôi đã có nền tảng vững chắc để nâng tầm sản phẩm. OCOP 5 sao không chỉ là danh hiệu, mà là cơ hội đưa trà Shan tuyết cổ thụ vươn ra thị trường cao cấp trong và ngoài nước.
Đạt 5 sao đã khó, giữ vững và phát triển còn khó hơn. Vì vậy, hợp tác xã luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, mở rộng vùng nguyên liệu và sáng tạo thêm sản phẩm đặc trưng, để thương hiệu Fìn Hò Trà thực sự trở thành niềm tự hào của chè Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Chị Lý Thị Mây, Dân tộc Dao đỏ, thôn Phia Chang, xã Hồng Thái
Giữ danh tiếng chè Shan tuyết vùng cao
![]() |
Người Dao đỏ thôn Phia Chang, xã Hồng Thái coi cây chè Shan tuyết như một phần không thể thiếu, một món quà quý của thiên nhiên ban tặng. Chè Shan tuyết là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình trong thôn, giúp nâng cao đời sống. Người dân cũng nhận thấy tiềm năng phát triển của chè Shan tuyết, đặc biệt là trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch cộng đồng và quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Gia đình tôi có hơn 2 ha chè Shan tuyết và một xưởng sao chè thủ công cho thu nhập ổn định.
Người dân thôn Phia Chang mong muốn chính quyền và các cơ quan liên quan có những giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết, giúp nâng cao giá trị kinh tế và giữ gìn nét văn hóa đặc trưng.
Chị Lý Mùi Chản, Thôn Sơn Quang, xã Thông Nguyên
Thêm chính sách hỗ trợ để mở rộng thị trường
![]() |
Những năm gần đây, cây chè Shan tuyết đã trở thành sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc Dao, thôn Sơn Quang, xã Thông Nguyên. Nhờ chuyển đổi sang quy trình chăm sóc hữu cơ, thu hái đúng kỹ thuật, giá trị sản phẩm chè tăng rõ rệt. Với hơn 2 ha trồng chè, giá bán chè búp tươi bình quân đạt từ 16 - 25 nghìn đồng/kg, gia đình tôi có thu nhập gần 70 triệu đồng/năm.
Ngoài bán chè nguyên liệu cho Hợp tác xã chè Minh Quang trên địa bàn xã, gia đình tôi cũng chế biến chè khô theo phương pháp thủ công truyền thống. Vùng chè có những cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi, nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, nơi quanh năm mây phủ, khí hậu mát mẻ, nên có hương vị riêng biệt, chát dịu, ngọt thanh khi uống. Tôi mong tỉnh có thêm chính sách hỗ trợ bà con trồng, chăm sóc, chế biến và kết nối tiêu thụ sản phẩm đến nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Ý kiến bạn đọc