Bất ổn thời “hậu Mu-ba-rắc”
Ai Cập thời “hậu Mu-ba-rắc” vẫn chưa yên ổn khi liên tục xảy ra các cuộc biểu tình đổ máu, mang cả màu sắc chính trị lẫn tôn giáo.
Cuộc biểu tình mới nhất đã kéo dài sang ngày thứ ba với hàng nghìn người tham gia ở ngay Quảng trường Ta-hơ-ria của thủ đô Cai-rô, tâm điểm của làn sóng biểu tình trước đây khiến ông Mu-ba-rắc phải từ bỏ quyền lực. Trong ngày biểu tình thứ ba, đã có ít nhất 13 người thiệt mạng khi cảnh sát buộc phải sử dụng đạn cao su để trấn áp biểu tình và 192 người bị thương, nâng tổng số thương vong trong cuộc biểu tình 3 ngày qua lên hơn 1.700 người. Các cuộc biểu tình bạo lực cũng xảy ra ở các thành phố khác như A-lếch-xan-đri-a, Xu-ê, Kê-na.
![]() |
Một người biểu tình ném trả lựu đạn cay về phía cảnh sát tại Quảng trường Ta-hơ-ria ngày 20-11. Ảnh: AP |
Đụng độ tại Cai-rô xảy ra khi cảnh sát tháo dỡ lều trại do người biểu tình dựng lên ở Quảng trường Ta-hơ-ria. Những ngày qua là khoảng thời gian mà mức độ bạo lực bùng phát mạnh mẽ nhất tại Ai Cập kể từ sau khi ông Mu-ba-rắc từ chức. Người biểu tình giương cao các tấm biểu ngữ đòi rút lại đề xuất hiến pháp và yêu cầu tổ chức bầu cử tổng thống không muộn hơn tháng 4-2012.
Cuộc biểu tình rầm rộ lần này nổ ra một tuần trước cuộc bầu cử đầu tiên, dự kiến diễn ra vào ngày 28-11 tới, kể từ khi ông Mu-ba-rắc bị lật đổ hồi tháng 2. Những người biểu tình, hầu hết là người Hồi giáo và các nhà hoạt động trẻ tuổi phản đối dự thảo hiến pháp, mà theo họ sẽ cho phép quân đội duy trì quá nhiều quyền lực sau khi một chính phủ dân sự được bầu lên. Đầu tháng này, nhà cầm quyền quân sự đã đưa ra bản dự thảo về các nguyên tắc thành lập hiến pháp mới, mà theo đó quân đội sẽ có tiếng nói trong các vấn đề trong nước và ngân sách. Người biểu tình tức giận vì việc chính quyền quân sự kéo dài thời hạn chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự, trong khi tiến trình cải cách không có tiến triển nào. Họ đòi ông Hu-xê-in Tan-ta-uy (Hussein Tantawi), cựu Bộ trưởng dưới thời ông Mu-ba-rắc và hiện là người đứng đầu Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA) đang cầm quyền tại Ai Cập, phải từ chức.
Tại Ai Cập, nhiều người dân than phiền rằng, quân đội không có xu hướng từ bỏ những đặc quyền vốn được hưởng từ thời ông Mu-ba-rắc, như những quyền lợi trong lĩnh vực thương mại. Họ không muốn mất lợi ích, vai trò đối với hàng loạt các xưởng may trang phục và những nhà máy phân bón, trị giá lên tới hàng tỷ USD. Một nhà tranh đấu nhân quyền ở Ai Cập, ông Mô-na Xê-íp (Mona Seif) còn cho rằng, một bộ phận lớn quân đội vẫn trung thành với chế độ cũ, vì họ đã thu được nhiều quyền lợi từ đó.
Kể từ sau khi ông Mu-ba-rắc bị lật đổ, quân đội lên nắm quyền điều hành đất nước và dự định sẽ chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự sau cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm sau hoặc đầu năm 2013. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực này bị người dân cho là quá dài và cáo buộc quân đội cố tình kéo dài thời gian tiến hành bầu cử để duy trì quyền lực. Họ yêu cầu quân đội phải chuyển giao quyền lực ngay sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 28-11 và tiến trình chuyển giao phải kết thúc vào tháng 3 năm sau. Người dân lo ngại quân đội sẽ vẫn tiếp tục nắm quyền trên thực tế sau khi quốc hội và tổng thống mới được bầu.
Kế hoạch tổ chức bầu cử quốc hội ở Ai Cập vào ngày 28-11 tới đang đứng trước nguy cơ đổ bể nếu các đảng phái chính trị và chính phủ không giải quyết được bất đồng liên quan đến các điều khoản đề xuất nhằm ngăn quân đội giám sát quốc hội, từ đó có khả năng cho phép họ chống lại một chính phủ được bầu. Hơn 39 đảng phái và các nhóm chính trị khác nhau đã cùng tuyên bố sẽ biểu tình “để bảo vệ nền dân chủ và công cuộc chuyển giao quyền lực” sau khi các cuộc đàm phán giữa các nhóm Hồi giáo và nội các thất bại. Các đảng Hồi giáo Salafi và tổ chức Anh em Hồi giáo đang gia tăng ảnh hưởng trên chính trường Ai Cập thời kỳ “hậu Mu-ba-rắc”.
Nhưng giữa các đảng phái chính trị ở Ai Cập vẫn tồn tại những chia rẽ khó giải quyết. Mặc dù cùng có một mục đích là chống lại quân đội cầm quyền, nhưng khi tham gia biểu tình, các nhóm lại tổ chức các bục phát biểu, bài phát biểu và khẩu hiệu riêng. Bất đồng rõ nhất là giữa các đối thủ của Đảng Tự do và Công lý của tổ chức Anh em Hồi giáo và các đối thủ Salafi - đại diện cho rất nhiều đảng phái chính trị. Mỗi phe nhóm đều muốn bảo vệ lợi ích và tiếng nói của mình trước các đối thủ chính trị.
Bên cạnh những bất đồng về chính trị, ở Ai Cập vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột tôn giáo và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Hồi tháng 10 vừa qua, thủ đô Cai-rô đã chìm trong làn sóng bạo lực mang màu sắc tôn giáo khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Xung đột xảy ra giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo sau khi xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào một nhà thờ Thiên chúa giáo ở Cai-rô. Trong khi đó, thực trạng kinh tế sa sút và tình trạng nghèo đói đang được cảnh báo là “quả bom hẹn giờ” có thể gây ra những bất ổn chồng chất cho Ai Cập bất cứ lúc nào.
Ý kiến bạn đọc