Từ điểm trường tới rừng sắn

08:31, 20/11/2011

Có người trầm trồ: Thầy Tuyên, thầy Tạo, thầy Oánh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nà Khương, xã Nà Khương, huyện Quang Bình, Hà Giang là những "nhà thiết kế" giỏi. Bởi nhờ các thầy, Nà Khương có thêm một điểm trường khang trang, người dân trong xã bắt đầu có hơn 100 ha sắn công nghiệp để học sinh đi học không còn lo đói.


Ðiểm trường thầy Tuyên

Thầy Trần Văn Tuyên, Hiệu trưởng, và các thầy Phan Nguyên Tạo, Nguyễn Văn Oánh đều là cán bộ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nà Khương, huyện Quang Bình, Hà Giang. Tuy công việc khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ, các thầy đều đang giúp người dân Nà Khương học cách làm ăn mới để thoát nghèo. Trong số các thầy, thầy Tuyên có "hậu phương" vững chắc hơn cả. Cứ nhìn cách bài trí căn nhà của thầy thì biết. Một gian thầy dành để mở cửa hàng sửa chữa xe máy, một gian làm cửa hàng tạp hóa, một gian để ở và bán sim thẻ, điện thoại, gian còn lại là cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Vì đã tận dụng hết căn nhà để kinh doanh cho nên hai chiếc xe tải của thầy vẫn luôn ở ngoài đường. Thầy Tuyên vào Nà Khương, Quang Bình từ năm 1996, ba năm sau vẫn trắng tay vì "chưa có người trông giữ". Và "mẹo" làm giàu, thầy chốt lại ngắn gọn "chăm chỉ, chịu khó thì không lo đói nghèo", như vẫn thường nói chuyện với thanh niên trong xã.

Nhưng xin gác lại chuyện "hậu phương" ở đây, bởi nó mới chỉ là một phần câu chuyện về thầy. Phần quan trọng hơn là những việc thầy làm cho sự nghiệp giáo dục của xã. Và chuyện đầu tiên phải kể đến là việc thầy làm cho điểm trường Tùng Cụm, nằm ở thôn Tùng Cụm, xã Nà Khương.

Hôm đến đây, chúng tôi rất ngạc nhiên khi các thầy, cô giáo gọi điểm trường này là điểm trường thầy Tuyên. Khi thắc mắc, một cô giáo trả lời rành rọt: "Giữa lúc thiếu ăn, anh có dám bỏ tiền ra mua đất xây trường không? - Còn thầy Tuyên thì có. Nhờ thầy Tuyên mua đất giao cho xã, xã giao đất cho ngành giáo dục cho nên điểm trường này  mới được xây dựng kiên cố, đẹp như thế này. Thế nên, tên của thầy đã gắn với tên điểm trường từ lâu rồi".

Gặp lại thầy Tuyên tại hội nghị của ngành giáo dục tổ chức tại huyện Quang Bình, tôi kể lại chuyện này, thầy xua tay thanh minh: "Oan tôi quá, chẳng qua là do cấp trên cho dự án xây trường, mà xã thì không có mặt bằng để triển khai. Tôi đã ở điểm trường tranh tre nứa, đã phải chịu cảnh ôm chăn ngồi co ro suốt đêm, nên cảm thấy rất tiếc nếu dự án không triển khai được. Xuất phát từ điều này, tôi mới lấy tiền của gia đình chuyển cho xã để đi mua đất đó thôi".

Ngôi trường này được xây dựng hoàn tất vào năm 2008, đến nay vẫn là một trong những điểm trường kiên cố, đẹp và hiện đại nhất xã. Tuy nhiên, câu chuyện về nó đã "đỡ nóng" đi nhiều. Bây giờ, chuyện thầy Tuyên mua đất xây trường không còn mang tính "thời sự" nữa. Thay vào đó là chuyện mùa giáp hạt vừa qua, một số học sinh của trường phải bỏ học vì thiếu đói. Thầy Tuyên lại là người giúp gạo. Hỏi chuyện này, thầy... gãi đầu: "Do nhà xa nên khi đi học các em phải mang theo lương thực. Mùa giáp hạt, gia đình một số em phải đi đào củ mài để ăn thì lấy đâu ra gạo để nộp. Không có gạo ăn, các em sẽ bỏ học để về nhà. Ðiều này xảy ra thì đi vận động sẽ rất vất vả. Giúp các em cũng là... giúp mình".

Rừng sắn thầy Tạo, thầy Oánh

Xã Nà Khương mười lăm năm trước vẫn là xã "có tỷ lệ mù chữ cao nhất huyện, nếu không muốn nói là gần như đạt 100% và tỷ lệ hộ nghèo đói tương đương với tỷ lệ người mù chữ", theo lời thầy Tuyên. Tuy đã được xóa mù chữ, nhưng khó khăn, nghèo đói đã cản trở tiến trình nhận thức của họ. Theo báo cáo UBND huyện Quang Bình, trong năm 2008, Nà Khương là "điểm nóng" về tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, đặc biệt là tình trạng di dân tự do rất khó kiểm soát.

Thầy Phan Nguyên Tạo mặc dù mới được bổ nhiệm về trường làm phó cho thầy Tuyên, nhưng đã thấu hiểu nhu cầu của người dân trong vùng. "Tôi đến nhà hỏi họ bỏ đi đâu, họ trả lời vào Tây Nguyên trồng sắn. Tôi nhìn quanh, Nà Khương đất rừng nhiều như thế này, bà con sao phải bỏ đi đâu? Tôi hỏi lại họ, đất này trồng sắn được không? Họ gật đầu" - thầy Tạo kể. Từ khi có cái gật đầu của người dân địa phương, cứ đến thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, thầy Tạo lại dùng xe máy chạy xuống Tuyên Quang, Yên Bái nghiên cứu cây sắn và học cách chăm sóc. Thầy nhẩm tính: "So với ngô, trồng sắn KM94 có lợi hơn vì khoản đầu tư dành cho nó chỉ bằng một nửa. Hơn thế, cây sắn ít đòi hỏi công chăm sóc hơn cây ngô, điều này phù hợp với lối sản xuất của đồng bào nên trồng kiểu gì cũng trúng".

Tiếng là nói vậy, nhưng các thầy cũng không dám liều kêu gọi người dân sản xuất ngay. Qua bạn bè, hễ biết vùng nào trồng sắn, thầy Tạo chạy đến để nhìn, hỏi và học. Lúc đã tích lũy được vốn liếng kinh nghiệm kha khá, thầy Tạo về trường nói chuyện với thầy Nguyễn Văn Oánh. Thầy Tạo phân vân: "Ðồng bào thường không muốn thay đổi, tiếp cận cái mới nên dù đã có giống sắn, nhưng chưa chắc họ đã thuận lòng làm theo". Thấy thầy Tạo trầm ngâm, thầy Oánh vỗ đùi đánh "đét" rồi nói lớn: "Tôi sẽ viết kịch về trồng sắn rồi diễn, tuyên truyền cho đồng bào nghe, hiểu, làm theo". Thế rồi thầy Oánh về phòng đóng cửa viết một mạch, mấy hôm sau thì gọi học sinh tập kịch, diễn cho bà con trong xã xem.

Hôm diễn kịch, thầy Tạo cứ thấp thỏm. Nếu kịch thành công thì vận động bà con rất dễ. Còn nếu không..., thầy chưa dám nghĩ tới. Nghĩ miên man một hồi, vở kịch kết thúc từ lúc nào không hay. Mọi người nín thở chờ đợi. Những khoảng khắc im lặng đến nghẹt thở cuối cùng đã vỡ òa  trong những tiếng vỗ tay nồng nhiệt của bà con dân bản. Thầy Tạo kể: "Nghe vỗ tay chúng tôi mừng chảy nước mắt. Ðiều này chứng tỏ bà con đã hiểu vở kịch và có thể đã muốn làm theo. Không bỏ lỡ cơ hội, mấy ngày sau chúng tôi thuê xe xuống các tỉnh mua hom sắn lên phát cho bà con trồng thử. Lúc đầu họ cũng rón rén, nhưng khi thấy cây sắn phát triển tốt, nhiều gia đình đã đăng ký trồng thêm. Ðến thời điểm này, toàn xã đã có hơn 100 ha sắn KM94, đang chờ thu hoạch".

Từ ngày theo thầy Tạo trồng sắn, ông Hoàng Văn Ðiện, thôn Thăm Mang lúc nào cũng cười rất tươi vì vườn sắn của ông bây giờ đã xanh tốt. Nhiều người trong vùng cũng đến "xem sắn", hỏi cách trồng, cách chăm. Theo tính nhẩm của ông Ðiện thì "một ha sắn lúc thu hoạch sẽ cho khoảng 20 đến 24 tấn, mỗi tấn bán rẻ cũng được 12 triệu đồng. Ðây là những con số mà cả nhà tôi nằm mơ cũng không bao giờ thấy được". Vui hơn ông Ðiện, Bí thư Chi bộ thôn Làng Ngái Lêu Văn Phù từng dắt cả nhà lên Tây Nguyên trồng sắn thuê. Bây giờ có sắn của thầy giáo Tạo, ông mừng rơi nước mắt vì: "Cả nhà ông đã đoàn tụ, không còn phải đi xa nữa".

Chứng kiến những nụ cười rạng rỡ trên nét mặt từ các em học sinh đến những người già ở đất Nà Khương, ông Nguyễn Anh Thùy - nguyên Chủ tịch UBND xã cũng rớm nước mắt: "Những thầy giáo dưới xuôi lên đây không chỉ giúp bọn trẻ biết con chữ, biết cách làm người, mà còn giúp đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn. Chính quyền địa phương cũng học các thầy nhiều đấy. Như cách tuyên truyền, vận động người dân; như giúp dân sản xuất. Ô nhiều cái hay lắm!".


DƯƠNG QUANG TIẾN (Nhân dân)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Mỹ đã trở lại châu Á”
Sự hợp tác Mỹ - ASEAN được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình an ninh và hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
18/11/2011
Trung Quốc: Tai nạn giao thông thảm khốc, 17 trẻ em chết
Vụ tai nạn xảy ra khi chiếc xe buýt chở học sinh mẫu giáo va chạm với 1 chiếc xe tải lớn.
17/11/2011
ASEAN trao đổi nhiều ý kiến về vấn đề Biển Đông
Trong cuộc họp chiều 15/11 tại Bali (Indonesia), chuẩn bị nội dung nghị sự cho Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-19) và các hội nghị liên quan, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã trao đổi nhiều ý kiến về vấn đề Biển Đông.
16/11/2011
Thủ tướng Thái Lan ngủ lại vùng lụt
Bà Yingluck Shinawatra hôm qua có một đêm ngủ lại giữa vùng lụt, trong khi ý tưởng về một "đường siêu thoát" nước để giải cứu Thái Lan khỏi những trận lụt trong tương lai vừa được đưa ra.
15/11/2011