>>Bài 1: Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
>> Bài 2: Nhận diện điểm “nghẽn”
Đánh giá cán bộ thực chất, nghiêm túc
Một trong những kinh nghiệm trong công tác cán bộ của Tuyên Quang đó là đánh giá cán bộ thực chất, nghiêm túc. Để đánh giá đúng cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang xác định, cần phải dựa vào nhiều kênh, nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhất là bằng sản phẩm, tiêu chí rõ ràng và thông qua công việc cụ thể.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chủ trương giao việc khó, việc đổi mới mang tính đột phá làm cơ sở để đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Theo chủ trương này, chất lượng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ là cơ sở, căn cứ quan trọng để kiểm chứng, đánh giá phẩm chất, trình độ, năng lực thực sự của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Số việc đột phá được giao tăng theo các năm, đồng nghĩa với số việc khó được giải quyết, tháo gỡ cũng tăng theo từng năm.
Cán bộ nữ xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) trao đổi nghiệp vụ công tác.
Năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao 51 việc cho 22 đồng chí; năm 2021, 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 giao 266 việc cho 78 đồng chí, năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục giao 219 việc cho 78 đồng chí, năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 giao thêm 203 việc cho 76 đồng chí.
Qua thực tế, giao việc đột phá, đổi mới đã tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên khẳng định được tính tiên phong, gương mẫu, phát huy năng lực trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tạo môi trường và động lực để cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kết quả thực hiện công việc mang tính đột phá, đổi mới của cán bộ là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm và cả nhiệm kỳ đối với cán bộ; là căn cứ để đánh giá năng lực, sở trường công tác của cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cũng như triển vọng phát triển của cán bộ.
Từ chính kết quả việc đột phá, đổi mới, chất lượng xếp loại, đánh giá cán bộ ngày càng thực chất hơn.
Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2020 - 2025, chỉ tính riêng cấp xã, việc xếp loại, đánh giá cán bộ đã có sự thay đổi.
Năm 2021, trong tổng số 3.414 đồng chí cấp ủy viên cơ sở được đánh giá xếp loại, số đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 18,19%; đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 78,41%, đồng chí hoàn thành nhiệm vụ chiếm 2,46% và đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 0,94%.
Năm 2023, trong 3.399 đồng chí cấp ủy viên cơ sở được đánh giá xếp loại, đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 16,21%; đồng chí hoàn thành tốt chiếm 80%; đồng chí hoàn thành nhiệm vụ chiếm 2,65%, đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ là 1,12%.
Đây cũng là một căn cứ quan trọng để tiến hành quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, bố trí cán bộ.
“Thử lửa” từ luân chuyển, điều động
Cùng với việc thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, công tác điều động, luân chuyển cán bộ của tỉnh Tuyên Quang được thực hiện một cách nghiêm túc, có kế hoạch đối với từng trường hợp cụ thể, gắn với công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ. Công tác điều động, luân chuyển được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng theo phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, trong đó quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Theo số liệu đến tháng 6-2024, tỉnh đã luân chuyển 33 lượt cán bộ, điều động 636 lượt cán bộ từ ngành này sang ngành khác, từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã, từ xã lên huyện hoặc từ xã này sang xã khác… Việc luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện theo đúng quy trình, cán bộ được luân chuyển, điều động tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường làm việc mới; phát huy được khả năng, vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đánh giá, công tác luân chuyển, điều động cán bộ đã từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú (Hàm Yên) Đỗ Thị Thu Hiền thăm hỏi đời sống Nhân dân.
Giai đoạn này, tỉnh cũng bố trí 7/7 bí thư cấp ủy huyện, 3/7 chủ tịch huyện, 96 bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương; bí thư đồng thời là chủ tịch xã 12 người…
Đồng chí Nguyễn Chí Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Chiêm Hóa được Ban Thường vụ Huyện ủy luân chuyển, chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú. Nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Tuyến bắt tay ngay vào việc nắm bắt tình hình cơ sở, tham gia sinh hoạt ở tất cả các chi bộ. Qua tìm hiểu, biết được nguyên nhân kết nạp đảng viên hằng năm đạt thấp là do một số cấp ủy chi bộ chưa quan tâm, BCH Đảng bộ xã chưa thực sự sâu sát chi bộ.
Đồng chí Nguyễn Chí Tuyến đã chỉ đạo quyết liệt các chi bộ thực hiện nghiêm túc Đề án 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đồng thời tổ chức kỳ sinh hoạt mẫu, phân công ủy viên Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ xã tham gia dự sinh hoạt chi bộ... 100% Chi bộ thôn lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề là công tác phát triển đảng viên. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu kết nạp đảng viên hằng năm.
Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá công tác cán bộ, cấp ủy viên phụ trách chi bộ hằng năm... Qua đó, công tác phát triển đảng của Đảng bộ xã đã có chuyển biến tích cực. Từ năm 2020 đến nay, công tác phát triển Đảng xã Bình Phú luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Đảng ủy xã từ một đơn vị xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đã vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Từ những kết quả này, Tuyên Quang đang tiếp tục thực hiện để đúc rút những kinh nghiệm hay. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Gửi phản hồi
In bài viết