Từ năm 2025, tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô có thể bị phạt tiền tới 150 triệu đồng

10:01, 06/02/2025

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, hành vi tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô có thể đối diện với mức phạt lên đến 150 triệu đồng.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Một trong những điểm đáng chú ý của nghị định này là mức phạt cực cao đối với hành vi tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô, có thể lên tới 150 triệu đồng.

Theo khoản 16, Điều 32 của nghị định, hành vi thay đổi kết cấu xe ô tô sai quy định sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Cụ thể, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 65 - 75 triệu đồng, trong khi tổ chức là chủ xe ô tô, xe máy chuyên dùng hoặc các loại xe tương tự ô tô có thể bị phạt từ 130 - 150 triệu đồng. 

Những vi phạm thuộc nhóm này bao gồm việc tự ý thay đổi tổng thành khung, động cơ, hệ thống phanh, hệ thống truyền động, hệ thống chuyển động.

Ngoài ra, việc cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã được cơ quan đăng ký xe phê duyệt cũng sẽ bị xử lý. 

Chủ xe cũng không được phép tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ container trên xe, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc.

So với trước đây, mức phạt đã tăng mạnh. Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), hành vi này chỉ bị phạt 6 - 8 triệu đồng với cá nhân và 12 - 16 triệu đồng với tổ chức.

Không chỉ áp dụng với ô tô, nghị định cũng đưa ra mức phạt đối với xe máy. Cụ thể, nếu chủ xe tự ý lắp đặt thiết bị âm thanh, ánh sáng gây mất trật tự giao thông, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, trong khi tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 1,6 - 2 triệu đồng.

Hành vi thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe mô tô, xe gắn máy cũng sẽ bị xử phạt từ 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, việc tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe máy mà không đúng với giấy chứng nhận đăng ký xe cũng có thể bị phạt từ 200.000 - 300.000 đồng đối với cá nhân và từ 400.000 - 600.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy.

Theo Thể thảo 24/7


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi tiếp nhiên liệu cho ô tô
Tiếp nhiên liệu cho ô tô tưởng chừng là việc đơn giản nhưng nếu lơ là, chủ quan có thể làm mất thời gian và gây hại cho động cơ.
31/01/2025
Mẹo lái xe an toàn vào ban đêm
Lái xe vào ban đêm là thách thức không nhỏ với tài xế bởi tầm nhìn hạn chế, tiềm ẩn nguy hiểm và cơ thể dễ mệt mỏi. Để tránh rủi ro, tài xế có thể tham khảo một số kinh nghiệm sau:
28/01/2025
Những lưu ý quan trọng khi về quê ăn Tết bằng xe máy
Việc về quê ăn Tết bằng xe máy tuy có phần vất vả nhưng là giải pháp tiết kiệm và linh hoạt đối với nhiều gia đình. Để chuyến đi diễn ra an toàn và thoải mái, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ hành lý, phương tiện đến lịch trình di chuyển.
26/01/2025
Quy định mức phạt mới khi thiếu giấy tờ cần mang để tham gia giao thông 2025
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không mang đủ giấy tờ xe bị phạt với mức bao nhiêu theo quy định mới nhất?
25/01/2025