Xoá mù nghệ thuật

07:38, 05/07/2025

Bạn tôi bắt đầu khoá học đàn ghi - ta đầu tiên sau 40 năm “nốt nhạc bẻ đôi không biết”. Một lớp học lít nhít lũ trẻ cấp 1, cấp 2. Cô bảo: "Cũng phải tự động viên để vượt qua mặc cảm, tự ti, về nhà sau giờ cơm nước cũng tranh thủ ôn bài, để cuối tuần đến lớp theo kịp các cháu".

Chúng tôi khâm phục bạn mình. Rồi cũng giật mình nhìn lại bản thân. Lứa 8X chúng tôi, ngoài giờ âm nhạc, mỹ thuật… theo đúng giáo trình trên lớp, gần như không ai được tiếp xúc với bất cứ môn nghệ thuật nào. Không biết hát, không biết nhảy, không biết thế mạnh của màu sắc khi đứng cạnh nhau… Thành ra, mỗi khi có tiệc giao lưu, việc cầm míc hát đúng được nốt nhạc với chúng tôi đã là thành công lớn.

Không riêng thế hệ 7X, 8X, 9X, mà ngay cả trong giáo dục hiện nay, nghệ thuật và thể thao vẫn bị xếp vào nhóm “môn phụ”, bị đánh giá thấp về mặt điểm số lẫn giá trị. Thậm chí nhiều trường học, các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ thường “lấn”, “mượn” giờ của những tiết học này để thêm kiến thức cho học sinh, nhất là khi  bắt đầu các kỳ thi quan trọng.

Điều này dẫn đến thực trạng nhiều học sinh khi ra trường vẫn chưa biết chơi một nhạc cụ, chưa thể vẽ một bức tranh, cũng chưa hình thành được thói quen vận động lành mạnh. Nguy hiểm hơn, các em đánh mất dần khả năng cảm thụ cái đẹp, thiếu kỹ năng thể hiện cảm xúc, dẫn đến sự khô cứng trong tâm hồn và cả sự thụ động về thể chất.

Thời gian gần đây, các lớp học nghệ thuật xuất hiện, nhưng cũng chỉ thu  hút đông học viên vào dịp hè, và không phải ai cũng đủ điều kiện để cho con em mình theo học.

Câu chuyện dạy nghệ thuật một cách bài bản ngay từ trong trường học mới đây đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến. Người đứng đầu Đảng ta gợi ý rằng,  dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, mời luôn những nghệ sĩ giỏi dạy cho các cháu. Thể dục, thể thao cũng như thế, mời vận động viên. Hoặc là mời họa sĩ hướng dẫn các cháu học vẽ. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định: "Trong hòa bình, các cháu đều được phát triển. Học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ".

Đây không chỉ là lời giải cho bài toán thiếu giáo viên chuyên môn - một vấn đề nan giải đã tồn tại lâu nay, mà còn là một tầm nhìn xa cho giáo dục toàn diện, nhằm khơi dậy và nuôi dưỡng chiều sâu văn hóa, cảm xúc và thể chất cho thế hệ trẻ Việt Nam từ những bước đi đầu đời.

Gợi ý của đồng chí Tổng Bí thư đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của Nhân dân. Nhiều người cho rằng, lâu nay danh xưng Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân Dân… vẫn chỉ là sự công nhận về mặt chuyên môn, thành tích. Việc đề xuất các nghệ sĩ, vận động viên chuyên nghiệp dạy nghệ thuật, thể thao cho học sinh, chính là cách để họ làm tròn nghĩa vụ ấy với Nhà nước, với Nhân dân – những người đã yêu mến, bình chọn và tôn vinh họ.

Nghệ thuật là ngôn ngữ của cảm xúc, là cầu nối giữa con người với con người, giữa cá nhân và cộng đồng. Một đứa trẻ có khả năng cảm nhạc cũng sẽ biết đồng cảm, biết rung động trước cái đẹp và biết sống sâu sắc hơn. Một bản nhạc hay, một bức tranh đẹp, một vở kịch lay động có thể thay đổi nhận thức, khiến con người trở nên tử tế và nhân văn.

Thể thao không chỉ rèn sức bền mà còn dạy tinh thần đồng đội, ý chí vượt khó, sự kiên cường. Đó là lý do tại sao trong các nền giáo dục tiên tiến, nghệ thuật và thể thao luôn chiếm một vị trí quan trọng trong hành trình trưởng thành của trẻ. Cái cần là “học thật, thực hành thật”. Học sinh phải được cầm cọ, chơi nhạc cụ, diễn kịch dưới sự hướng dẫn của những nghệ sĩ có nghề, có tâm.

Trong bối cảnh hiện tại, khi mạng xã hội đang khiến giới trẻ trở nên dễ chai sạn cảm xúc, khi nhiều giá trị sống đang bị đảo lộn, thì nghệ thuật và thể thao - với sự chân thật, cảm xúc và tính nhân văn - lại càng cần được nâng niu và đầu tư đúng mực.

Học nhạc, học vẽ hay thể thao không phải để tất cả học sinh trở thành nghệ sĩ, vận động viên chuyên nghiệp, mà để các em trưởng thành thành những con người trọn vẹn hơn: biết lắng nghe chính mình, biết sẻ chia với người khác, khỏe mạnh về thể chất, sâu sắc về tâm hồn, phong phú về cảm xúc.

Đã đến lúc chúng ta cần đặt nghệ thuật và thể thao vào vị trí xứng đáng trong hành trình trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam, như một phần không thể thiếu trong sự phát triển hài hòa giữa trí tuệ, cảm xúc và nhân cách con người.

Và cũng không chỉ trông chờ vào việc được dạy, mà tự học cũng cần được khơi dậy trong mỗi người theo đúng tinh thần của phong trào “Học tập suốt đời”.

 Còn nhớ hồi đi học để thi bằng lái xe ô tô, ông thầy dạy chúng tôi lái xe đường trường cứ đến 5 giờ chiều lại tất tưởi giục học viên đi về. Ông về sớm cơm nước, để 8 giờ tối sẽ cùng vợ tham gia một Câu lạc bộ khiêu vũ cho người trung niên. Rồi ông hào hứng kể về kỹ thuật nhảy Zumba, Chachacha, Pasodoble, Tango,  Waltz… khiến học viên chúng tôi mắt tròn mắt dẹt.

Hoá ra, tình yêu nghệ thuật không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, miễn là bạn còn biết thổn thức, rung động trước mỗi thanh âm, sắc màu của cuộc sống. Như câu chuyện cô bạn 40 tuổi của tôi. Hay từ những lớp dạy múa hiện đại cho các bà, các mẹ U50, U60… đang tạo sóng trên mạng xã hội gần đây.

Trần Liên


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lịch sử gọi tên, tương lai vẫy gọi
Lịch sử gọi tên không phải bằng tiếng trống hay sắc lệnh, mà bằng những dấu mốc được khắc ghi trong ký ức của mỗi thế hệ. Ngày 12/6 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Theo đó, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đáng chú ý, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang sẽ được hợp nhất thành tỉnh mới giữ tên gọi là tỉnh Tuyên Quang. Sau khi sắp xếp, tỉnh mới có diện tích tự nhiên là 13.795,50km2, quy mô dân số là 1.865.270 người.
03/07/2025
Ứng xử với AI
Còn nhớ những ngày đầu trải nghiệm trí tuệ nhân tạo AI, người dùng có những phen cười ra nước mắt. Khi được yêu cầu ChatGPT viết bài văn về tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, ứng dụng viết: “Anh ta được biết đến như một trong những người tiên phong việc tắt đèn tại Việt Nam trong thập niên 20. Ngô Tất Tố tin rằng tắt đèn là một hoạt động nhỏ nhưng có tác dụng lớn trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường...".
03/07/2025
Soi đèn tìm hàng chuẩn
Mẹ tôi rất “mê” Hoàng Hường – một nhân vật chuyên livestream bán thuốc, bán sữa và PR việc làm từ thiện rầm rộ trên mạng xã hội. Ban đầu bà chỉ xem livestream, sau bà bắt đầu đặt mua một số sản phẩm thuốc xương khớp và sữa.
03/07/2025
Những bữa ăn bất an
Thực sự đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi câu chuyện những người nổi tiếng dùng hình ảnh bản thân để quảng cáo cho các thực phẩm giả, những người sẵn sàng dùng các chất độc hại để cho vào thực phẩm bán ra thị trường. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến không tiếng súng, nơi kẻ thù là sự vô đạo đức và lòng tham.
03/07/2025