Truyền thông trở thành “lá chắn mềm” ngăn ngừa rủi ro thực phẩm tại Xín Mần
BHG - Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Xín Mần tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là sau vụ ngộ độc do ăn phải nấm dại tại xã Chế Là khiến 4 người phải nhập viện cấp cứu. Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Xín Mần đã chủ động triển khai nhiều biện pháp truyền thông trực tiếp và gián tiếp, bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Cuối tháng 5 vừa qua, tại xã Chế Là đã xảy ra vụ ngộ độc 4 người trong 1 gia đình do ăn nấm dại. Cụ thể, vào trưa 24.5, gia đình ông Lùng Văn Đơm ở thôn Lùng Vài, xã Chế Là đã thu hái nấm dại từ rừng về chế biến món ăn. Sau khi ăn khoảng 3 giờ, các thành viên trong gia đình bắt đầu xuất hiện triệu chứng chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. 2 người đầu tiên là ông Đơm (56 tuổi) và cháu Lùng Văn Hiếu (11 tuổi) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần cấp cứu. Sau khi sơ cứu, cả hai tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh và chuyển xuống Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị chuyên sâu.
![]() |
Cán bộ Trạm Y tế xã Bản Ngò tuyên truyền hình ảnh trực quan những loại thực phẩm ngộ độc để người dân dễ dàng nhận biết và phòng tránh |
Đến khoảng 1 giờ sáng ngày 25.5, hai thành viên còn lại trong gia đình là Lùng Thị Hồng (16 tuổi) và Lùng Thị Yến (33 tuổi) cũng xuất hiện triệu chứng ngộ độc tương tự và được đưa đến cơ sở y tế điều trị. Rất may, sau 7 ngày theo dõi và điều trị tích cực, sức khỏe của 4 bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện. Qua khai thác bệnh sử và kiểm tra mẫu thực phẩm, cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân là do ăn phải nấm độc lấy trong rừng. Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ về những hiểm họa từ thói quen hái, ăn nấm rừng mà không qua kiểm định hay hướng dẫn chuyên môn.
Trước thực tế đó, TTYT huyện Xín Mần đã nhanh chóng triển khai chiến dịch truyền thông tăng cường về phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Chỉ tính riêng trong tháng 5 vừa qua, TTYT đã tổ chức gần 400 buổi truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau như phát thanh tại các xã, thị trấn; phát loa tại các chợ phiên; truyền thông tại cụm dân cư, thôn bản; và đặc biệt là đến thăm trực tiếp từng hộ gia đình. Tổng số người tiếp cận truyền thông trong tháng gần 34.000 lượt.
![]() |
Cán bộ Phòng Truyền thông TTYT Xín Mần tư vấn chăm sóc sức khỏe và an toàn thực phẩm tại chợ phiên xã Nàn Ma |
Ngoài ra, các cán bộ y tế tuyến xã, thôn bản được tăng cường tập huấn và phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt cộng đồng, họp thôn, lễ hội truyền thống. Nội dung truyền thông không chỉ tập trung vào nhận diện thực phẩm độc hại, đặc biệt là nấm hoang dại, mà còn phổ biến các quy tắc an toàn trong chế biến, bảo quản thực phẩm, sử dụng nước sạch và thói quen vệ sinh trong bữa ăn hàng ngày.
Đồng chí Vương Thanh Nguyên, Giám đốc TTYT huyện Xín Mần cho biết: “Chúng tôi xác định truyền thông là biện pháp then chốt để phòng tránh các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các xã vùng sâu vùng xa, nơi người dân vẫn còn thói quen tự hái nấm, rau rừng để làm thức ăn. Các hoạt động truyền thông hiện đang được triển khai đồng bộ và sẽ duy trì thường xuyên trong các tháng tiếp theo.”
Việc chủ động và quyết liệt trong công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến sức khỏe người dân, đặc biệt trong bối cảnh điều kiện sinh hoạt và nhận thức về an toàn thực phẩm tại một số địa bàn vùng sâu còn hạn chế. Qua đó, góp phần giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Bài, ảnh: Hồng Cừ
Ý kiến bạn đọc