Tăng cường kiểm tra hàng hóa tại các chợ phiên
BHG - Cùng với sự phát triển KT-XH, hoạt động giao thương hàng hóa tại các chợ phiên trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng sôi động. Tuy nhiên, các phiên chợ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào nhằm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân vùng cao về chất lượng sản phẩm để trục lợi.
Toàn tỉnh hiện có 173 chợ /tổng số 193 xã, phường, thị trấn, trong đó phần lớn là chợ phiên, chợ nông thôn họp mỗi tuần một lần. Đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, tiêu thụ nông sản mà còn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, tại nhiều chợ phiên hiện nay dễ dàng bắt gặp các gian hàng “di động” được dựng tạm bằng phông bạt, rao bán đủ loại hàng hóa từ quần áo, đồ gia dụng, thiết bị điện tử đến điện thoại di động… Các mặt hàng này được chào mời với giá rẻ hơn so với thị trường, đi kèm quảng cáo chất lượng cao, giá ưu đãi. Đáng lo ngại hơn, tại một số chợ phiên vẫn còn hiện tượng nhiều gian hàng bày bán lẫn lộn thuốc tân dược, mỹ phẩm với thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng in chữ nước ngoài không rõ cơ sở sản xuất, chất lượng kiểm định an toàn.
![]() |
Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra hàng hóa tại chợ phiên trên địa bàn huyện Yên Minh. |
Là người thường xuyên đi mua bán nhu yếu phẩm thiết yếu cho gia đình, chị Lù Thị Chẩu, xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) chia sẻ: “Chợ phiên là nơi gần nhất để bà con chúng tôi mua sắm. Ra chợ thấy đồ nào rẻ thì mua thôi chứ không có nhiều tiền. Người bán cũng nói tốt về hàng của mình, lại có loa đài giới thiệu nên chúng tôi cũng tin theo. Có lúc mua phải đồ chất lượng kém dùng vài hôm là hỏng nhưng không biết làm thế nào”.
Xác định chợ phiên là nơi hàng giả, hàng nhái dễ len lỏi vào thị trường, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình mua bán, lưu thông hàng hóa tại các chợ phiên. Điển hình như ngày 1.6 vừa qua, Đội QLTT số 6 đã phát hiện nhiều sạp hàng bày bán thuốc tân dược do nước ngoài sản xuất xen lẫn hàng tiêu dùng tại chợ phiên thị trấn Đồng Văn. Số lượng hàng hóa vi phạm lên tới 24kg đều không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trước đó, lực lượng chức năng cũng kiểm tra và phát hiện lô hàng gồm hơn 26.000 gói thuốc bảo vệ thực vật trị giá gần 480 triệu đồng không rõ nguồn gốc.
Ông Thạch Đức Sinh, Đội trưởng, Đội QLTT số 5 cho biết: Đời sống người dân vùng cao còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều nên không ít người tiêu dùng chưa có đủ kiến thức để phân biệt hàng thật, hàng giả và dễ bị thu hút bởi giá thành rẻ. Lợi dụng điều này, một số tiểu thương từ nơi khác đã chở hàng bằng xe tải lên chợ phiên, tranh thủ thời gian họp chợ ngắn để trà trộn và tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Đối với các mặt hàng như thuốc tân dược, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc phần lớn là đồng bào thiểu số buôn bán nhỏ lẻ, tự phát theo thói quen và tập tục địa phương. Trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên bản thân họ cũng không ý thức được mức độ nguy hại.
![]() |
Vẫn còn hiện tượng buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc tại các chợ phiên. |
Từ 15.5 đến nay, thực hiện đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng QLTT tỉnh đã phối hợp với lực lượng liên ngành xử lý 45 vụ vi phạm. Trong đó, các Đội QLTT trực tiếp phát hiện, xử lý 34 vụ với tổng số tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 260 triệu đồng. Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, lực lượng QLTT còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tiểu thương, hộ kinh doanh và người dân vùng cao. Lực lượng QLTT đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho 200 cơ sở kinh doanh, phổ biến các quy định pháp luật, hướng dẫn nhận diện thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại. Nhiều buổi phổ biến pháp luật được tổ chức lưu động ngay tại chợ phiên giúp người dân nâng cao nhận thức hình thành thói quen tiêu dùng an toàn. Đồng thời, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác kiểm soát thị trường tại các chợ phiên, chợ nông thôn hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Quốc Khánh, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết: Hiện nay, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng, các chợ phiên lại phân bố rải rác ở vùng sâu, vùng xa. Các đội QLTT vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, vừa kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, giúp bà con hiểu và tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động mua bán. Trong khi đó, các đối tượng kinh doanh vi phạm ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi địa điểm, di chuyển nhanh, gây không ít khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý vi phạm.
Thời gian tới, Chi cục QLTT tỉnh sẽ tăng cường quản lý địa bàn, bám sát diễn biến thị trường, chủ động nhận diện các mặt hàng có dấu hiệu vi phạm nổi cộm để xử lý dứt điểm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành triển khai kiểm tra chuyên đề, đột xuất các sạp hàng, cơ sở kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ phiên, chợ biên giới nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng.
Bài, ảnh: HOÀNG HÀ
Ý kiến bạn đọc