Ứng dụng bản đồ tư duy vào dạy học đọc - hiểu văn bản nghị luận ở trường THCS
HGĐT- Gần đây, những người quan tâm đến vấn đề đổi mới phương pháp dạy học thường đề cập tới dạy học tích cực. Dạy học tích cực là một quan điểm dạy học trong đó bao gồm việc sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học khác nhau nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Trong dạy học tích cực có một hệ thống các kỹ thuật dạy học nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, trong đó có kỹ thuật “bản đồ tư duy”.
“Bản đồ tư duy” (mind map) là thuật ngữ và xuất hiện trên thế giới từ những năm 60 của thế kỷ trước và sau đó được nhà nghiên cứu người Anh là Tony Buzan định nghĩa trong cuốn “Bản đồ tư duy trong công việc” (mindmaps at work) của ông: “bản đồ tư duy là một hình thức ghi chép, sử dụng màu sắc và hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Ở giữa bản đồ là một ý tưởng hay hình ảnh trung tâm. Ý tưởng hay hình ảnh trung tâm này sẽ được phát triển bằng các nhánh tượng trưng cho những ý chính và đều được nối với ý tưởng trung tâm”. BĐTD lúc đầu chỉ được sử dụng trong kinh doanh và thay thế cho công việc ghi chép hàng ngày... Sau đó, các nhà nghiên cứu đã đưa vào nghiên cứu và sử dụng trong dạy học. Đợt tập huấn hè năm 2011 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai tập huấn một số chuyên đề bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên THCS, trong đó có chuyên đề 3 về ứng dụng CNTT và BĐTD hỗ trợ đổi mới PPDH và quản lý nhà trường. Trong khoảng một năm trực tiếp giảng dạy và thăm lớp dự giờ của đồng nghiệp ở một số đơn vị, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy BĐTD rất ít được giáo viên và học sinh sử dụng trong dạy học. Có chăng mới chỉ một số ít giáo viên ở ban KHTN sử dụng, bởi tư duy trong các môn học thuộc KHTN thường là tư duy logic, còn tư duy trong các môn KHXH (đặc biệt là môn Ngữ văn) thường là tư duy mang tính biểu tượng, với sự liên tưởng, tưởng tượng cao. Vì vậy, nhiều giáo viên cho rằng việc sử dụng BĐTD vào dạy học văn là rất khó và cũng do đó mà công nghệ dạy học mang tính tích cực này ít được phát huy tác dụng trong môn Ngữ văn, và đặc biệt đối với Đọc - hiểu văn bản thì lại càng khó sử dụng hơn. Sau một thời gian tìm tòi, thử nghiệm và sử dụng công nghệ phần mềm BĐTD vào dạy Ngữ văn, chúng tôi nhận thấy BĐTD có khả năng phát huy tác dụng rất tốt không chỉ trong dạy học phần Tiếng Việt, làm văn mà cả trong phần dạy học Đọc - hiểu văn bản, đem đến cho tiết học một luồng không khí thật mới mẻ, góp phần kích thích hứng thú của học sinh, giúp các em trở nên yêu quý môn học này hơn.
Khác với văn bản nghệ thuật, văn nghị luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận, lí lẽ và cả bằng thực tế đời sống, bằng sự nhiệt tình thuyết phục của người viết; đôi khi cũng tái hiện vào đời sống nhưng đó chỉ là hình ảnh minh họa, làm cơ sở cho lập luận . Để ứng dụng BĐTD vào đọc hiểu văn nghị luận, chúng ta có thể thực hiện theo hướng sau: Giáo viên hướng dẫn học sinh tiếp xúc bước đầu với văn bản để có một cái nhìn tổng quát về văn bản đó, sau đó cho học sinh ứng dụng BĐTD để nêu luận đề (vấn đề nghị luận), hệ thống luận điểm và trình tự lập luận (bố cục). Ở bước này, học sinh phải đứng trước các câu hỏi: Bài này nghị luận về vấn đề gì? (luận đề), bài viết gồm mấy phần? Luận điểm chính ở mỗi phần là gì? Thao tác chính ở bài này là gì? (kiểu bài nghị luận). Sau khi đã có cái nhìn tổng quát toàn bộ văn bản, học sinh sẽ lần lượt ứng dụng BĐTD để triển khai từng phần của văn bản về nội dung và hình thức. Tùy đặc điểm riêng của từng văn bản mà chọn một cách tìm hiểu phù hợp. Nếu văn bản có bố cục rõ ràng gồm 3 phần: Đặt vấn đề (mở bài), giải quyết vấn đề (thân bài), và kết thúc vấn đề (kết bài) thì giáo viên dẫn dắt các em tìm hiểu theo các phần đó. Nếu bài văn nghị luận đó chỉ là một đoạn trích từ một văn bản lớn, không có đầy đủ bố cục thông thường của một văn bản nghị luận thì giáo viên lại dẫn dắt học sinh ứng dụng BĐTD để triển khai từng luận điểm chính được nêu ra và mở rộng bằng các luận cứ tiếp theo trong đó. Trong quá trình ứng dụng BĐTD, giáo viên cần kết hợp với việc xây dựng hệ thống câu hỏi gợi mở, câu hỏi ở đây phụ thuộc vào nội dung và nghệ thuật nghị luận ở từng văn bản. Ngoài ra học sinh có thể ứng dụng BĐTD để tìm hiểu về nghệ thuật nghị luận của tác giả mà các em có thể học tập để làm văn nghị luận.
Việc sử dụng BĐTD vào đọc hiểu văn bản Ngữ văn ở trường phổ thông thời gian gần đây vốn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Song qua hướng sử dụng nêu trên, chúng tôi nhận thấy học sinh rất thích thú với giờ học, tiết học trở nên khá sinh động, học sinh thâu tóm được kiến thức một cách dễ dàng ngay sau giờ hoc, tiết học được nhiều cán bộ, giáo viên đánh giá cao. Tuy vậy, để có một giờ Văn thực sự hiệu quả, giáo viên cần kết hợp linh hoạt giữa BĐTD với các phương pháp, kỹ thuật dạy học khác như: PP học theo nhóm, kỹ thuật đặt câu hỏi, công não... Tránh tuyệt đối hóa một phương pháp hay một kỹ thuật dạy học nào đó trong dạy học.
Ý kiến bạn đọc