Bánh cáy làng Nguyễn
Ra đời cách đây hơn 200 năm, bánh cáy - đặc sản nổi tiếng của làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) từng là sản vật tiến vua. Công đoạn chuẩn bị và làm bánh cáy khá tỉ mỉ. Trước khoảng nửa tháng, người ta phải chọn những miếng mỡ lợn ngon, thái hạt lựu và ướp đường rồi đem xào cho tới khi mỡ đạt độ trong và giòn. Gạo nếp cái hoa vàng được chia thành ba phần: 1 phần dùng để nấu xôi gấc, 1 phần đồ với nước trái dành dành thành xôi có màu vàng, 1 phần làm nẻ (bỏng). Khi xôi chín, người ta giã nhuyễn hai loại xôi với nhau rồi cắt miếng nhỏ và sấy khô. Phần gạo nếp còn lại được đem nổ thành bỏng rồi trộn với mật mía, gừng tươi, vỏ quýt và đảo đều trên chảo. Khi hỗn hợp dậy mùi thơm, người ta đổ vào khuôn gỗ, bên trong lót một lớp vừng tươi đã rang. Khi bánh nguội sẽ được cắt thành miếng và thưởng thức cùng tách trà nóng hổi.
Bánh gai Đại Đồng
Bánh gai là thức quà quê dân dã có mặt ở nhiều tỉnh của vùng Đồng bằng sông Hồng. Ở Thái Bình, bánh gai là đặc sản của thôn Đại Đồng (xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư) và có lịch sử hình thành cách đây 400 năm. Để tạo ra lớp vỏ bánh màu đen, người ta lấy lá gai được tước bỏ gân, cuống, phơi khô sau đó ngâm trong nước 1 ngày rồi thái nhỏ, luộc và giã nhuyễn thành bột. Gạo nếp được xay thành bột mịn, rồi trộn với bột lá gai, đường kính và nhào thành lớp vỏ.
Để làm nhân bánh, người ta đồ chín đậu xanh và giã nhuyễn. Mỡ lợn thái khổ dày. Mứt bí đao thái hạt lựu. Tiếp đó, trộn đều các nguyên liệu với đường, lạc, hạt sen thành nắm nhỏ và gói bằng phần vỏ bánh, lăn qua một lớp mỡ trước khi rắc vừng. Cuối cùng, gói bánh bằng lá chuối khô, hấp cách thủy cho bánh chín đều và thưởng thức.
Bánh nghệ Phú Cốc
Bánh nghệ cũng là loại bánh độc đáo của vùng đất Thái Bình nói chung và làng Phú Cốc (huyện Kiến Xương) nói riêng. Nhờ màu vàng được chế biến từ củ nghệ nên người ta đặt tên là “bánh nghệ”. Bánh có phần nhân được chế biến từ thịt lợn, tóp mỡ, hành khô xào với nước mắm; gói trong phần vỏ bánh làm bằng bột gạo tẻ trộn với nước giã từ củ nghệ già và bột quế để tạo màu vàng ươm, hương thơm mà không hăng, đắng. Sau khi gói thành viên bánh có hình tròn hoặc thuôn dài, người ta đem hấp chín và thưởng thức. Khi ăn, bánh nghệ Phú Cốc có vị béo ngậy hòa cùng hương thơm nồng của nghệ và quế.
Gửi phản hồi
In bài viết