Chùa Phước Hậu
Tọa lạc tại ấp Đông Hậu (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình), chùa Phước Hậu nổi tiếng với vườn kinh đá độc đáo gồm 250 phiến đá chạm khắc 500 trang kinh bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nằm trong vườn cây sao rộng trên 4.000m2, vườn kinh này được chia thành 3 khu: Vườn kinh Pháp Cú, Vườn kinh A Di Đà và Vườn kinh Bắc Truyền trích diễm.
Chùa Phước Hậu còn được biết đến là ngôi tổ đình Phật giáo dòng Lâm Tế, phái Chúc Thánh. Chùa được xây dựng năm 1894, ban đầu có tên là chùa Đông Hội. Sau này, nhân dân, Phật tử trong vùng đã xây dựng lại chùa với quy mô khang trang, bề thế hơn và đổi tên thành chùa Phước Hậu. Trong giai đoạn chiến tranh, chùa là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Nhiều tu sĩ của chùa đã lên đường tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1994, chùa Phước Hậu được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng quốc gia.
Chùa Phù Ly
Chùa Phù Ly được xây dựng năm 1672, nằm trên địa bàn xã Đông Thành (thị xã Bình Minh), trong khuôn viên rộng hơn 2ha. Các công trình trong chùa có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia, gồm cổng chùa, chính điện, trai đường, tháp cốt, quần thể cột cờ...
Nổi bật trong khuôn viên chùa Phù Ly là tòa chính điện được sơn hoàn toàn bằng nhũ vàng. Trên nóc là đỉnh tháp, xung quanh đắp nổi hình tượng rồng có phần đầu hướng sang hai bên, phần thân được đắp nổi hoa văn và phần đuôi vút cong trên nền trời xanh. Phía dưới mái là hình tượng nữ thần Kayno. Trên các mảng tường đắp nổi hình tượng chim thần Krut. Xung quanh chính điện là những ngôi tháp cốt đắp hình tượng thần Kabil Maha Brum 4 mặt quay về bốn hướng: Đông, tây, nam, bắc.
Chùa Hạnh Phúc Tăng
Chùa Hạnh Phúc Tăng nằm ở ấp Trung Trạch (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm), là ngôi chùa Khmer có niên đại lâu nhất ở Vĩnh Long, được xây dựng năm 632. Chùa nằm trong không gian thanh tịnh, được bao bọc bởi những hàng cổ thụ vài trăm năm tuổi và là nơi trú ngụ của nhiều loài chim. Phía trước gian chính điện có pho tượng Phật cao 12m. Chính điện xây trên nền gạch, tường bê tông kiên cố, mái lợp ba cấp. Mỗi đầu cột có hình nữ thần Kayno đỡ mái được chạm khắc tỉ mỉ. Giữa nóc chính điện có tháp nhọn, 4 mặt trang trí họa tiết rất công phu. Bên trong bài trí nhiều tượng Phật lớn. Trong khuôn viên chùa có các sima (am nhỏ), nơi chôn các “hòn đá kiết giới” - ranh giới của sự tu hành. Hậu điện được xây theo kiểu nhà ngang, tường gạch mái ngói. Đây là nơi tiến hành nhiều nghi lễ quan trọng của người Khmer.
Gửi phản hồi
In bài viết