Phú Thọ được biết đến là cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt Cổ, thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nơi đây vẫn giữ được dấu ấn của những buổi đầu bình minh dựng nước của dân tộc. Phú Thọ có hệ thống các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú: 1.372 di tích lịch sử văn hóa (trong đó Khu di tích lịch sử Đền Hùng là Di tích quốc gia đặc biệt), cùng với “Hát Xoan Phú Thọ”, “Ca Trù”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với đó, Phú Thọ cũng sở hữu thiên nhiên phong phú, là lựa chọn không thể bỏ qua nếu yêu thích du lịch xanh.
Khi đến với Phú Thọ, có nhiều điểm đến để bạn lựa chọn tùy theo độ dài, ngắn của chuyến đi. Trong tháng 5, Phú Thọ là 1 trong 12 tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức các môn thi đấu của SEA Games 31. Đến Phú Thọ trong dịp này, bạn cũng đừng bỏ lỡ những điểm du lịch hấp dẫn dưới đây.
1. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng
Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu), tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. (Ảnh: Báo Tin tức)
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích - xã Hy Cương - thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 90km. Từ Hà Nội, du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.
Đền Hùng là di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng - thuộc đất Phong Châu - vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ.
Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng (còn gọi là núi Cả theo tiếng địa phương hay còn có nhiều tên gọi khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn,…), có độ cao 175m so với mặt nước biển. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo,…. Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng. Núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145m. Theo truyền thuyết. đây là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời.
Toàn khu di tích Đền Hùng xưa kia là rừng già nhiệt đới, đến nay chỉ còn núi Hùng là rậm rạp xanh tươi với 150 loài thảo mộc thuộc 35 họ, trong đó còn sót lại một số cây đại thụ như chò, thông, lụ,…và một vài giống cây cổ sơ như kim giao, thiên tuế,..
Từ chân núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lần lượt các di tích kiến trúc như: Cổng đền, Đền Hạ, Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu), Đền Thượng và Lăng Hùng Vương, Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh), Đền Tổ mẫu Âu Cơ.
Bảo tàng Hùng Vương được khởi công xây dựng vào năm 1996 và được khánh thành đúng ngày khai hội Đền Hùng năm Quý Mùi (2003). Với gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật có trong Bảo tàng, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác được trưng bày đã khắc hoạ chủ đề tổng quát: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.
2. Làng cổ Hùng Lô
Làng cổ Hùng Lô nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 5km. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đình Hùng Lô (Đình Xốm) được xây dựng trên dải đất rộng 5000m2. Trung tâm của trang Khả Lãm cổ xưa, rồi mang tên xã An Lão, nay là xã Hùng Lô.
Khi tới làng cổ Hùng Lô, không thể bỏ qua các điểm di tích như miếu cổ, đình làng. Trong đó, Đình làng Hùng Lô là một nhà bảo tàng văn hóa nghệ thuật của toàn dân đóng góp còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Đình làng Hùng Lô, thuộc làng cổ Hùng Lô, nằm dọc ven sông Lô, cách Đền Hùng chừng 10km về phía Đông. Đình được xây dựng vào thời hậu Lê, đời vua Lê Hy Tông. Khu đình được kiến trúc các hạng mục công trình gồm có tòa Đại Đình, Phương đình, Lầu chuông, Lầu trống và nhà Tiền Tế, tất cả được làm bằng vật liệu gỗ quý như Đinh, lim, sến, táu, thông mật và mít. Mái lợp ngói mũi hài. Những giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng thời Hậu Lê trên gỗ, gốm, chủ yếu tập trung tại tòa Đại đình.
3. Quần thể lộc vừng ở Cẩm Khê
Quần thể lộc vừng được công nhận là cây di sản nằm tại Gò Thờ, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê. Nằm cách trung tâm tỉnh Phú Thọ khoảng 40km, quần thể lộc vừng này là một điểm du lịch hấp dẫn. Từ xa, quần thể lộc vừng như một khu rừng rậm rạp. Theo Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, quần thể lộc vừng này có hơn 80 cây, nằm trên một quả gò chỉ rộng chừng 500m2, trên đầm Láng Chương, hay còn gọi là gò Vình. Rất ít tài liệu ghi chép chính xác số tuổi của quần thể lộc vừng này, nhưng nhiều người ước tính nó đã hơn 1.000 năm tuổi.
4. Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Cách Hà Nội khoảng 120km, Vườn Quốc gia Xuân Sơn rộng hơn 15.000ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Vườn được ví là “lá phổi xanh,” là điểm du lịch hấp dẫn của Phú Thọ với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Vườn Quốc gia Xuân Sơn có khí hậu mát mẻ, trong lành với nhiệt độ trung bình năm từ 22-23ºC. Đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa.
Tại đây hiện có 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong Sách đỏ Thế giới. Bên cạnh đó, vườn còn có 726 loài thực vật bậc cao trong đó có 52 loài thuộc ngành quyết và ngành hạt trần.
Ngoài sức hấp dẫn của hệ động thực vật phong phú, Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Xuân Sơn có ba đỉnh núi cao trên 1.000m là: núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng trăm hang động; sông suối như suối Lấp, suối Thang; và nhiều thác nước có độ cao trên 50m, che phủ hang, hốc đá, hòa quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc nơi đây hiện vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc như trang phục, lễ hội, các hoạt động đời sống sinh hoạt hàng ngày như đan lát đồ dùng thủ công, dệt thổ cẩm, thêu, lễ cấp sắc, múa đâm đuống, múa xòe, uống rượu hoẵng, cơm lam…, những nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất các vua Hùng.
5. Đồi chè Long Cốc, Phú Thọ
Đồi chè Long Cốc nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, Phú Thọ, ngay trên tuyến đường đi Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Long Cốc được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam, với hàng trăm, hàng ngàn quả đồi nhỏ. Vào thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông, vùng đồi chè bao phủ sương mù huyền ảo. Những “ốc đảo chè” Long Cốc được mệnh danh là “vịnh Hạ Long vùng Trung du” khi sở hữu những quả đồi chè to lớn và đẹp nhất nằm liền kề. Mỗi đồi chè có diện tích khoảng 1ha. Từ trên đồi chè nhìn xuống, Long Cốc nằm gọn trong thung lũng, lúc ẩn, lúc hiện trong sương mây.
Gửi phản hồi
In bài viết