Chiều 15/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Sau khi chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện, Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm 6 Điều.
Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy, có 487 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 97,79% tổng số đại biểu.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. (Ảnh: DUY LINH)
Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã chính thức được thông qua.
Nhiều điểm nhấn nổi bật
Đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Nghị quyết nêu rõ, công tác này đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Cụ thể, khung khổ pháp lý liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được hoàn thiện, chất lượng nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tiêu chuẩn, định mức chế độ trong các lĩnh vực tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đến năm 2020 có khoảng 13 nghìn tiêu chuẩn Việt Nam, tỷ lệ hài hòa khoảng 60%.
Quản lý thu, chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tập trung nhiều nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Bước đầu đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải; bảo đảm các khoản chi an sinh xã hội và các lĩnh vực quan trọng.
Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,9% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. (Ảnh: DUY LINH)
Bên cạnh đó, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra được tăng cường và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản nhà nước được xét xử, thu hồi số vốn, tài sản nhà nước lớn; có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.
Trong đó, công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 rất chậm; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến; công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc; nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn…
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân do một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện.
Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Do đó, Nghị quyết đề ra 5 nhóm giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh giải pháp đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp chiều 15/11. (Ảnh: DUY LINH)
Nghị quyết cũng nêu rõ quan điểm tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo Nghị quyết, từ năm 2023 sẽ phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, cần đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm, theo hướng vừa bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng xác định cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn. Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Cùng với đó, chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng; quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản.
Gửi phản hồi
In bài viết