VNPT đầu tư xây dựng trạm cập bờ tuyến SJC2 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: VNPT
Cụ thể, trong thông báo gửi các nhà mạng, dự kiến tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1) được sửa từ ngày 2 đến 11-5.
Với tuyến AAG (Asia, America Gateway), kế hoạch sửa chữa nhánh S1I-1 từ ngày 21 đến 28-4; nhánh S1I-2 từ ngày 24-4 đến 2-5; nhánh S2 từ ngày 19-4 đến 15-5; nhánh S1G khoảng giữa tháng 5-2023.
Với tuyến APG (Asia Pacific Gateway), nhánh S6 được sửa từ ngày 16 đến 20-4; nhánh S7 dự kiến sửa vào đầu tháng 6, trong đó lưu lượng từ Việt Nam đi quốc tế vẫn phải đợi kế hoạch sửa chữa tuyến S7.
Các tuyến SMW3 (See Me We 3), IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á) hiện chưa có thêm thông tin.
Các sự cố cáp quang biển nêu trên chậm được khắc phục ảnh hưởng lớn đến các nhà mạng trong nước do phải tốn thêm chi phí mua, thuê lại các hướng trên đất liền để bảo đảm phục vụ khách hàng. Với người dùng, việc chậm khắc phục sự cố khiến việc truy cập một số dịch vụ bị ảnh hưởng.
Trước đó, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, lần lượt cả 5 tuyến cáp quang biển quốc tế trên gặp sự cố. Đây là tình huống hy hữu bất khả kháng xảy ra cùng lúc, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ internet Việt Nam đi quốc tế.
Trước thực trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập ban chỉ đạo khắc phục sự cố, cùng với các nhà mạng điều phối, đưa ra các phương án xử lý, như mở thêm dung lượng cáp quang trên đất liền, bảo đảm kết nối internet của Việt Nam đi quốc tế phục vụ người dùng.
Cùng với đó, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp viễn thông cũng đã lên kế hoạch đầu tư, làm chủ một số tuyến cáp quang biển quốc tế; đẩy nhanh tiến độ một số dự án tuyến cáp quang biển mới để chủ động về hạ tầng mạng lưới… Từ cuối tháng 2-2023, sau nhiều giải pháp kỹ thuật, các nhà mạng đã cơ bản khắc phục và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Gửi phản hồi
In bài viết