Lực lượng an ninh đứng gác tại cửa khẩu Rafah từ Ai Cập vào Gaza ngày 17-10.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong một cuộc họp báo: “Các xe tải của chúng tôi đã chất đầy hàng và sẵn sàng hoạt động ngay khi cửa khẩu Rafah được mở, hy vọng là vào ngày mai”.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết, WHO “rất quan ngại về sức khỏe và phúc lợi của người dân ở Gaza” cũng như về các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở chăm sóc sức khỏe ở cả Gaza và Israel.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, đã đạt được thỏa thuận cho phép 20 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã xác nhận thỏa thuận, nhưng chính phủ của ông chỉ đồng ý cho phép cung cấp thực phẩm, nước uống và vật tư y tế chứ không phải các vật tư cần thiết khác như nhiên liệu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đánh giá, “cần viện trợ trên quy mô lớn và trên cơ sở bền vững”. Theo tổ chức từ thiện quốc tế, chống nạn đói, thiếu nước là một trong những thách thức lớn nhất ở Gaza, đồng thời, cảnh báo về “một cuộc khủng hoảng sức khỏe trên bờ vực bùng nổ”. Liên hợp quốc ước tính rằng, có ít hơn 3 lít nước một người/ngày cho 2,3 triệu người sống ở Gaza. Một nửa trong số đó là trẻ em có nguy cơ cao nhất do thiếu nước và nhiễm trùng tiêu chảy.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak sau khi kết thúc chuyến thăm tới Israel đã bay tới Saudi Arabia vào cuối ngày 19-10, trong nỗ lực bảo đảm việc thả các con tin bị phong trào Hồi giáo Hamas bắt giữ ở Gaza và ngăn chặn một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Guardian ngày 20-10 dẫn nguồn tin từ Phố Downing cho biết, Thủ tướng Sunak và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia “đã đồng ý phối hợp hành động” để tránh bất kỳ sự leo thang nào nữa trong khu vực.
Trong khi đó, theo người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), chiếc máy bay viện trợ nhân đạo thứ hai từ Liên minh châu Âu (EU) đã hạ cánh xuống Ai Cập vào chiều ngày 19-10 (giờ địa phương) để hỗ trợ người dân ở Gaza. Hơn 60 tổ chức từ thiện quốc tế đã ký một tuyên bố kêu gọi Chính phủ Anh nỗ lực bảo đảm an ninh và lệnh ngừng bắn khẩn cấp ở Israel và Gaza.
Tổng thống Ai Cập, Abdel Fatah al-Sisi, và vua Abdullah II của Jordan đã lên án “sự trừng phạt tập thể” đối với người Palestine ở Gaza khi họ gặp nhau ở Cairo để đàm phán về cuộc xung đột Israel -Hamas. Tổng thống Sisi và vua Abdullah cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng căng thẳng leo thang trong khu vực.
Đại sứ quán Mỹ, Anh và Đức tại Beirut đã khuyến cáo công dân của họ rời khỏi Lebanon trong khi các chuyến bay “vẫn sẵn sàng” khi căng thẳng biên giới giữa Israel và Hezbollah gia tăng do cuộc xung đột Israel - Hamas. Nhiều quốc gia Arab và phương Tây đã khuyến khích công dân tránh đến Lebanon hoặc rời đi.
Theo thống kê của AFP, ít nhất 21 người đã thiệt mạng do hỏa lực xuyên biên giới ở Lebanon, chủ yếu là các chiến binh nhưng cũng có 3 thường dân, trong đó có một nhà báo của Reuters.
Gửi phản hồi
In bài viết