Có hơn 6.600 ứng viên từ 70 chính đảng tham gia cạnh tranh 500 ghế tại Hạ viện Thái Lan. Đảng nào giành tối thiểu 251/500 ghế sẽ giành được quyền đứng ra thành lập chính phủ mới.
Hiến pháp hiện tại của Thái Lan quy định lưỡng viện Quốc hội bầu thủ tướng. Mỗi đảng được đề cử tối đa 3 ứng viên cho vị trí thủ tướng và cần giành được ít nhất 25 ghế tại Hạ viện để các ứng viên của mình được đưa vào vòng bỏ phiếu tại Quốc hội. Tổng cộng có 63 ứng viên từ 43 đảng tham gia ứng cử cương vị này. Để đắc cử vị trí Thủ tướng, ứng viên phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376/750 nghị sĩ tại 2 viện của Quốc hội.
Cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu sáng 14-5.
Thủ đô Bangkok có số lượng ứng cử viên đăng ký tranh cử theo khu vực bầu cử đông nhất, theo đó 498 ứng cử viên sẽ cạnh tranh để bầu chọn 33 ghế hạ nghị sĩ.
Theo các nhà phân tích, cuộc tổng tuyển cử năm nay ở Thái Lan sẽ cơ bản là cuộc chạy đua của 6 chính đảng lớn gồm: Pheu Thai (đảng Vì Người Thái), Move Forward (Tiến bước), Quốc gia Thái Lan thống nhất (UNT), đảng Dân chủ, đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân, đảng Tự hào Thái.
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ hai kể từ sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014 diễn ra trong bối cảnh kinh tế Thái Lan được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm, tỷ lệ lạm phát cao đe dọa triển vọng phục hồi sau đại dịch. Cũng vì vậy mà các chiến dịch vận động tranh cử của mỗi đảng đều tập trung vào các mục tiêu tăng lương tối thiểu, tăng lương hưu, giãn nợ, trợ giá nông sản...
Theo các thăm dò dư luận, hai đảng đối lập Pheu Thai và Move Forward có nhiều khả năng giành chiến thắng áp đảo tại Quốc hội, vượt xa đảng UNT của Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha. Kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố vào cuối ngày 14-5.
Để đảm bảo tiến trình tổng tuyển cử diễn ra một cách dân chủ và công bằng, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đã khởi động Chương trình Quan sát viên bầu cử quốc tế 2023. Tổng cộng 188 thành viên đến từ 24 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế đã tham gia vào chương trình này.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quốc gia (EC) Thái Lan Ittiporn Boonpracong khẳng định: “EC được giao nhiệm vụ tổ chức một tiến trình bầu cử trung thực và công bằng nhất. Sứ mệnh đó sẽ khó có thể hoàn thành nếu không có sự hỗ trợ tích cực của người dân, và sự tham gia mang tính xây dựng từ các địa phương và giới truyền thông, cũng như sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa các đảng phái chính trị và các chính trị gia. Quan sát viên bầu cử sẽ làm rõ những điểm còn thiếu sót và đề xuất những đổi mới, đồng thời là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa gian lận bầu cử”.
Gửi phản hồi
In bài viết