Theo Tổng Giám đốc WTO Okonjo Iweala, thỏa thuận vừa đạt được sẽ làm giảm các chi phí liên quan đến
thương mại dịch vụ tới 150 tỷ USD mỗi năm. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của thương mại dịch vụ đã vượt tốc độ tăng trưởng của thương mại hàng hóa. Theo ước tính của WTO, nguồn thu của thương mại dịch vụ hiện chiếm khoảng một nửa giá trị của thương mại toàn cầu, nhưng lại có chi phí cao gấp đôi chi phí hàng hóa, trong đó có 40% liên quan các quy định, thủ tục không rõ ràng, rườm rà.
Trong bối cảnh WTO một thời gian dài không ký kết được các thỏa thuận thương mại đa phương giữa toàn bộ 164 thành viên, một số quốc gia vẫn tích cực tham gia các cuộc đàm phán quy mô nhỏ hơn, nhằm thảo luận cách thức tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại dịch vụ được khởi động từ năm 2017. Theo thỏa thuận vừa đạt được bởi 67 thành viên WTO, các bên cam kết đưa ra những quy định phù hợp để không cản trở các nhà cung cấp dịch vụ xuất khẩu sang các thị trường khác. Thỏa thuận bảo đảm rằng, các yêu cầu và thủ tục cấp phép, tiêu chuẩn kỹ thuật không tạo thành rào cản với thương mại dịch vụ.
Mỹ ngay lập tức ca ngợi thỏa thuận vừa đạt được, cho rằng điều này sẽ cải thiện tính minh bạch và công bằng của các quy trình cấp phép cho hoạt động cung cấp dịch vụ trong nhiều lĩnh vực. Trưởng Ðại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai nhấn mạnh, sáng kiến này là cuộc đàm phán thành công đầu tiên về thương mại dịch vụ trong nhiều năm của WTO và cho thấy cách các thành viên WTO có thể thực hiện các bước đi thực tế, hợp lý để giải quyết các vấn đề thương mại.
Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis (V.Ðôm-brốp-xkít) cũng ca ngợi thỏa thuận là "bước đột phá", giúp giảm nạn quan liêu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Với tư cách là nhà xuất khẩu dịch vụ lớn thứ 2 thế giới, Vương quốc Anh tích cực tham gia đàm phán và ủng hộ thỏa thuận. Luân Ðôn cho rằng, các quy định mới sẽ giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ dàng tiếp cận các thị trường nước ngoài.
Về phía các doanh nghiệp, Diễn đàn Dịch vụ châu Âu, với các thành viên gồm một loạt các tập đoàn hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như Apple, ZFS… cũng lên tiếng hoan nghênh việc kết thúc các cuộc đàm phán. Họ nhấn mạnh rằng, ngành thương mại dịch vụ đã "mòn mỏi" chờ thỏa thuận này trong hơn 20 năm.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính rằng, nếu các quy định mới được các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thực thi, chi phí thương mại có thể giảm tới 6%, với mức tiết kiệm chi phí hằng năm lên tới 150 tỷ USD. Ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, kiến trúc và kỹ thuật sẽ nằm trong số các ngành dịch vụ được hưởng lợi nhiều nhất. Theo phân tích của WTO, tăng trưởng khu vực dịch vụ thường gắn liền với tạo việc làm, đa dạng hóa năng suất và sản lượng, đồng thời gián tiếp cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất.
Nhóm 67 nước vừa đạt thỏa thuận chỉ chiếm một phần ba số thành viên WTO, nhưng đại diện cho hơn 90% tổng giá trị thương mại dịch vụ toàn cầu. Các chuyên gia nhấn mạnh, thương mại dịch vụ là động lực chính của sự thịnh vượng và hỗ trợ mạnh mẽ sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thỏa thuận vừa đạt được cũng mang tới "nguồn năng lượng mới" cho WTO trước yêu cầu cải tổ và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết