Cụ thể, tại thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 9-7 đến 19-7 có 70 ca tử vong.
Tại tỉnh Đồng Tháp từ ngày 15-7 đến 17-7 có 5 ca tử vong.
Tại tỉnh Long An từ ngày 18-7 đến 19-7 có 2 ca tử vong.
Tại tỉnh Trà Vinh trong ngày 13-7 có 1 ca tử vong.
Tại tỉnh Bắc Ninh trong ngày 18-7 có 1 ca tử vong.
Tại Vĩnh Long trong ngày 18-7 có 1 ca tử vong.
Tại phiên họp đột xuất của Thủ tướng Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra vào ngày 19-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, thời gian tới, đặc biệt là 5-7 ngày nữa, tình hình dịch sẽ diễn biến phức tạp, số bệnh nhân nặng có thể gia tăng.
Về vấn đề hậu cần cho phòng, chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế thành lập Kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại thành phố Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này. Trong 2 ngày 17 và 18-7, Bộ Y tế đã chuyển về kho dã chiến 299 máy thở các loại.
"Chúng ta không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Bộ Y tế đã điều động hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hơn 6.400 cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế. Số lượng đang sẵn sàng chi viện thêm là hơn 9.000 người. Hôm nay lực lượng chi viện tiếp tục được đưa đến hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã ban hành và huy động các trang thiết bị, thuốc, vật tư, thiết bị phòng hộ, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp khí oxy... cho công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Về năng lực sử dụng oxy hiện nay, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca nhiễm cần đến thở oxy. Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000m3 khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm từ 50-100% công suất.
Hôm qua, Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy sản xuất oxy trên toàn quốc, yêu cầu các đơn vị tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ oxy, tăng khả năng phân phối.
Quán triệt phương châm "4 tại chỗ", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải chủ động công tác hậu cần đối với trang thiết bị, đặc biệt trang thiết bị xét nghiệm, điều trị (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) trong tình huống dịch có mức nguy cơ cao hơn để sẵn sàng đáp ứng.
Gửi phản hồi
In bài viết