9 tỷ USD xuất khẩu thủy sản - mục tiêu đầy thách thức

Sau khi lập hàng loạt kỷ lục về xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022 về tổng kim ngạch xuất khẩu (đạt 5,7 tỷ USD, tăng gần 40% so cùng kỳ năm 2021), bước sang tháng 7, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chững lại khi chỉ đạt 970 triệu USD và giảm 4% so với tháng 6/2022. Cộng thêm nhiều tín hiệu thị trường khác, dự báo xuất khẩu thủy sản cuối năm 2022 sẽ rất khó khăn…

Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh tại Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau).

Trong nửa đầu năm, chỉ có 4 tháng đầu xuất khẩu thủy sản mới thật sự bùng nổ, tăng khoảng 40%. Tuy nhiên sang đến tháng 5 và tháng 6/2022 đã bắt đầu chững lại và đi xuống. Nguyên nhân giảm tốc từ tháng 5 là do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm gây ra dịch bệnh trên vật nuôi khiến sản lượng giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm 2021 cũng cạn dần. Thí dụ như mặt hàng tôm, xuất khẩu tôm trong tháng 6 giảm 1% so cùng kỳ năm 2021 vì thiếu hụt nguyên liệu. Sang tháng 7, xuất khẩu tôm tiếp tục giảm gần 13% đạt 385 triệu USD.

Nguồn cung tôm của các nước sản xuất tăng mạnh, lượng nhập khẩu của các thị trường chính như Mỹ, EU tăng trong nửa đầu năm sẽ dẫn đến lượng tồn kho tăng và nhu cầu chững lại trong nửa cuối năm. Không giống như mặt hàng tôm, nguồn nguyên liệu cá tra không phải là vấn đề lớn, nhưng nhu cầu nhập cũng có xu hướng chững lại ở một số thị trường. Do vậy, xuất khẩu cá tra cũng tăng trưởng chậm lại trong quý II...

Trước tác động của lạm phát và xu hướng tăng giá xuất khẩu của các nước cho nên nhu cầu nhập của các thị trường cũng có những thay đổi. Thí dụ tại Mỹ, lượng tồn kho tăng cùng với lạm phát đã tác động đến nhu cầu nhập hàng của thị trường này từ tháng 6, do vậy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này giảm 8% trong tháng 6 và tiếp tục giảm sâu 23% trong tháng 7/2022.

Theo nhận định chung, tình trạng khan hiếm nguyên liệu tôm và hải sản sẽ tiếp tục chi phối đến kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam sắp tới, theo đó dự báo quý III/2022 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với quý II và quý I.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định, có một số nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cuối năm 2022 sẽ gặp khó, bao gồm: Trước hết là các doanh nghiệp thủy sản đang phải gánh nhiều khoản chi phí tăng, tác động kéo theo chi phí đầu vào cho sản xuất, giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và các ngành hàng. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch Covid-19 và nay là giá nhiên liệu xăng dầu tăng, việc đặt công-ten-nơ vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng 4-5 lần.

Mặt khác, do giá nhiên liệu tăng trong nửa đầu năm 2022 khiến 40-50% số tàu khai thác hải sản nước ta đã nằm bờ khiến nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước. Do nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh cho nên các nhà máy chế biến hải sản cũng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến.

Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là các thủ tục chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập. Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận. Tính tới tháng 6/2022, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam.

Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng để tốc độ xuất khẩu không tiếp tục đi xuống và cuối năm ngành thủy sản vẫn đạt được mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD đã đề ra, cần tiến hành đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để tháo gỡ những nút thắt chính cho xuất khẩu thủy sản. Trước hết, Chính phủ cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển.

Trước mắt là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận khai thác. Riêng về công tác khắc phục thẻ vàng IUU, Tổng cục Thủy sản sẽ chuẩn bị kế hoạch, kịch bản làm việc với đoàn thanh tra EC kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam; tiếp tục tham mưu tổ chức kiểm tra tại các địa phương về việc chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC.

Hiện, các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, Chính phủ cần ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu. Ngành thủy sản cần bám sát tình hình sản xuất tại các địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến để tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất hiệu quả trong bối cảnh giá thức ăn, giá vật tư sản xuất trong nuôi trồng thủy sản tăng cao như hiện nay...

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục