Cán bộ Agribank Tuyên Quang thẩm tra dự án phát triển kinh tế trước khi cho vay.
Giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn, dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chương trình mục tiêu quốc gia, Agribank Tuyên Quang đã và đang triển khai thực hiện chương trình tín dụng, gồm phát triển nông nghiệp, nông thôn; mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng, nhà ở khu vực nông thôn; phát triển kinh tế trang trại; sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; xây dựng nông thôn mới...Đến ngày 30-4 vừa qua, tổng dư nợ của Agribank đạt 8.711 tỷ đồng, tăng 239 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 2,8 %. Trong đó, dư nợ trong nông nghiệp đạt 6.265 tỷ đồng, chiếm 72 % tổng dư nợ. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trong toàn tỉnh.
Sau 3 năm tiếp cận được nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 10/2014 /NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia đình bà Nguyễn Thị Ái, thôn 68, xã Yên Lâm (Hàm Yên) đã có lực thay đổi toàn diện sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn và từ quy trình đại trà sang quy trình hữu cơ. Bà Ái cho biết, gia đình có 4 ha cam, trước đây cam được canh tác thông thường giá bán thấp, thu chỉ đủ bù chi nên không có điều kiện để đầu tư. Năm 2019 vay 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi của Agribank, bà Ái đã đầu tư trồng thay thế cây già cỗi, đồng thời chuyển hướng sang canh tác hưu cơ. Vụ cam vừa qua bà Ái thu 40 tấn cam hữu cơ, bán ngay từ đầu vụ được trên 500 triệu đồng. Theo bà Ái, năm tới nhiều cây cam cho quả sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
Thành viên HXT Tiến Quang (Chiêm Hóa) vay vốn Agribank phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Cường, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) cũng đang làm giàu nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn của Agribank Tuyên Quang. Theo ông Cường, gia đình có trang trại lợn với quy mô trên 1.000 con/lứa, những năm 2017 - 2018 giá lợn giảm sâu khiến chăn nuôi thua lỗ. Trong lúc khó khăn, Agribank tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, giá lợn ổn định, chăn nuôi thuận lợi, gia đình đã hoàn trả được vốn cho ngân hàng và làm ăn có lãi. Ông Cường phấn khởi cho biết, hiện gia đình đã mở thêm 1 trang trại, nâng quy mô đàn từ 1.000-1.500 con/lứa.
Ông Trần Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND xã Cấp Tiến thông tin, hiện dư nợ của Agribank trong dân đầu tư phát triển kinh tế đạt trên 41 tỷ đồng. Nguồn vốn của Agribank đã tiếp thêm lực để các hộ phục hồi, phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, giữ vững và nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Mở rộng cho vay thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Agribank Tuyên Quang thực sự đồng hành cùng với người nông dân, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết