Ngày 5/4, tập đoàn Amazon cho biết đã đăng ký 83 lần phóng tên lửa để đưa chùm vệ tinh thuộc Dự án Kuiper lên quỹ đạo Trái Đất, nhằm phủ sóng Internet băng thông rộng tương tự dự án Starlink mà tỷ phú Elon Musk đang triển khai.
Theo đó, Amazon đã ký kết các thỏa thuận phóng tên lửa với các công ty: Arianespace có trụ sở tại Pháp, Blue Origin do cựu Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos sáng lập, và United Launch Alliance (ULA) - một liên doanh giữa Lockheed Martin và Boeing.
Dự án Kuiper đặt mục tiêu sử dụng hơn 3.000 vệ tinh trong quỹ đạo Trái Đất tầm thấp để cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao, độ trễ thấp cho các khách hàng, gồm hộ gia đình, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.
Ông Rajeev Badyal, phó chủ tịch phụ trách công nghệ của Dự án Kuiper, cho biết việc ký thỏa thuận với các nhà cung cấp khác nhau giúp giảm thiểu rủi ro về trì hoãn lịch phóng tên lửa và tiết kiệm chi phí.
Thỏa thuận của Amazon bao gồm 18 lần phóng bằng tên lửa Ariane 6 của Arianespace, 12 lần phóng bằng tên lửa New Glenn của Blue Origin, và 38 lần phóng bằng tên lửa Vulcan Centaur của ULA.
Amazon dự kiến phóng 2 vệ tinh nguyên mẫu thuộc Dự án Kuiper vào quý IV năm nay. Dựa trên kết quả thử nghiệm, công ty sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể về đợt phóng chính thức đầu tiên trong khuôn khổ dự án.
Tháng 7/2020, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã phê duyệt dự án Internet vệ tinh Kuiper của Amazon, cho phép đưa lên quỹ đạo Trái Đất 3.236 vệ tinh với giá trị đầu tư 10 tỷ USD. FCC yêu cầu Amazon phải phóng lên quỹ đạo ít nhất một nửa số vệ tinh trong kế hoạch vào năm 2026 và hoàn thành đủ số lượng dự kiến vào 2029.
Trái ngược với những bước đi đầu tiên của Amazon, các đối thủ cạnh tranh như SpaceX hay OneWeb đã đi trước một đoạn đường dài trong cuộc đua Internet vệ tinh. Dự án Starlink của SpaceX đã phóng 2.110 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất, trong khi OneWeb cũng đã phóng 428 trong số 648 vệ tinh theo kế hoạch.
Gửi phản hồi
In bài viết