Niềm vui an cư
Thôn Đèo Mủng, cách trung tâm xã Xuân Vân (Yên Sơn) 5 km là nơi sinh sống của các hộ dân tộc Dao. Không còn cảnh những nóc nhà bị cô lập ở bên những sườn núi hay khe suối, bà con đã thay đổi tập quán, đồng thuận di chuyển đến nơi ở an toàn.
Anh Triệu Văn Quyết, một trong những người dân vừa tái định cư chia sẻ, trước đây gia đình anh và nhiều hộ trong thôn sống ở rải rác theo sườn núi, mùa mưa về canh cánh nỗi lo đất đá sạt lở vùi lấp nhà ở. Anh Quyết nhớ lại, 5 năm trước gia đình anh được phen hú hồn, cả khối đất đá trên núi cao lăn xuống rất may chỉ vùi lấp chuồng trại chăn nuôi chứ nếu vào nhà chắc không ai sống sót, quả thực là sống trong nơm nớp nỗi lo. Năm 2018, xã vận động di chuyển, anh em họ hàng động viên, tạo điều kiện sang nhượng mặt bằng, Nhà nước hỗ trợ, gia đình anh quyết định di dời nhà đến nơi an toàn hơn. Anh Quyết bảo, di chuyển đến nơi an toàn trong thôn, điều kiện sống tốt hơn rất nhiều, thực sự yên tâm sinh sống, không còn lo sợ mỗi khi trời mưa bão nữa.
Ngôi nhà mới xây khang trang, kiên cố của gia đình anh Triệu Văn Quyết, thôn Đèo Mủng, xã Xuân Vân (Yên Sơn).
Hộ ông Bàn Văn Tiến cũng là một trong những hộ được hỗ trợ tái định cư đến nơi an toàn tại thôn Đèo Mủng. Ông Tiến phấn khởi khoe, có nơi ở mới an toàn, cả gia đình ông không còn cảnh dắt díu nhau đi sơ tán mỗi khi có mưa bão như trước. Trước đây, mỗi lần nghe thông tin mưa bão là cả gia đình ông Tiến ăn không ngon, ngủ không yên. Ông Tiến bảo, Nhà nước quan tâm, địa phương sắp xếp bố trí đến nơi ở mới, có hệ thống nước sạch, điện lưới quốc gia được kéo đến từng hộ, không riêng gì ông, bà con được tái định cư tại chỗ ai cũng mừng. Có chỗ ở ổn định, các gia đình yên tâm làm ăn phát triển kinh tế.
Niềm vui cũng đến với 11 hộ dân tộc Tày, thôn Tông Bốc, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) khi được sắp xếp đến nơi ở mới. Ông Nông Văn Chu, một người dân trong thôn phấn khởi cho biết, chuyển đến nơi ở mới rộng rãi, an toàn hơn, được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, xã tạo điều kiện cho tham gia dự án nuôi trâu, bò vỗ béo nhốt chuồng, trồng chè... có thêm thu nhập, mừng lắm. An cư rồi, giờ tập trung phát triển kinh tế lo cho gia đình có cuộc sống khấm khá hơn.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2015 -2020, bằng nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ di dời 559 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm bằng hình thức xen ghép ổn định tại chỗ. Các hộ được sắp xếp, di chuyển đến nơi ở mới đều đã ổn định đời sống, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Hướng tới giải pháp lâu dài
Tại buổi làm việc với các ngành chức năng và huyện Yên Sơn địa phương hàng năm có số hộ dân phải di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm lớn của tỉnh hồi trung tuần tháng 11-2020, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, do đặc điểm địa hình chia cắt bởi sông, suối nhỏ, vào mùa mưa, tỉnh ta chịu tác động rất lớn của loại hình thiên tai sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đơn vị được giao sắp xếp bố trí dân cư phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố có các hộ dân sống trong vùng xung yếu khảo sát, tính toán kỹ lưỡng mặt bằng đảm bảo tính căn cơ và lâu dài, đến nơi ở mới phải an toàn, điều kiện sống phải tốt hơn nơi ở cũ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, bố trí ổn định dân cư phải đi liền với ổn định sản xuất để người dân an cư lạc nghiệp.
Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ bố trí ổn định nơi ở cho 1.959 hộ, trong đó, ổn định tập trung 311 hộ; xen ghép 694 hộ, tổng kinh phí thực hiện là trên 872 tỷ đồng. Hiện tại, ngành đang phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, xây dựng phương án bố trí dân cư theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ để tổ chức thực hiện, trong đó ưu tiên nơi có nguy cơ cao về thiên tai sẽ phải bố trí thực hiện trước.
Tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ di chuyển 20 triệu đồng/hộ và hỗ trợ cộng đồng 50 triệu đồng/hộ để thực hiện điều chỉnh đất ở, đất sản xuất để giao cho các hộ mới đến; xây dựng mới hoặc nâng cấp một số công trình hạ tầng thiết yếu... Hiện tại đã có 4 dự án sắp xếp, ổn định dân cư xen ghép và tại chỗ được thực hiện.
Số lượng hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm là rất lớn và còn phát sinh hàng năm, trong điều kiện kinh phí hỗ trợ sắp xếp dân cư của Nhà nước, tỉnh còn hạn hẹp rất cần sự vào cuộc của cộng đồng dân cư. Các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, anh em dòng tộc sang nhượng, đổi đất, hỗ trợ ngày công giúp các hộ dân nằm trong diện nguy hiểm chuyển đến nơi an toàn. Thực tế hầu hết hộ dân được di chuyển đến nơi an toàn đều có sự chung tay hỗ trợ của anh em họ mạc, cộng đồng thôn xóm. Những hộ sinh sống trong vùng nguy hiểm cũng cần nỗ lực, vượt qua khó khăn di chuyển đến nơi an toàn, bảo vệ tính mạng của chính mình và người thân khi mưa bão xảy ra.
Gửi phản hồi
In bài viết