Sáng 4/5, Ấn Độ ghi nhận 357.229 ca mắc mới COVID-19 và 3.449 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt mốc 20 triệu ca.
Tờ Times of India ngày 3/5 dẫn nguồn tin chính quyền cho biết ít có khả năng Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc, mặc dù đã khuyến cáo các bang và vùng lãnh thổ liên bang thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt và áp dụng lệnh phong tỏa phù hợp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trước đó, báo trên dẫn lời Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về dịch COVID-19 của Mỹ - cho rằng Ấn Độ nên áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong vài tuần để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm tăng đột biến hiện nay.
Nhóm cố vấn của Chính phủ Ấn Độ dự báo, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại đất nước tỷ dân này có thể đạt đỉnh vào tuần này. Các nhà khoa học trong nhóm cố vấn đã sử dụng một mô hình toán học để phân tích và dự báo số ca mắc COVID-19 tính theo ngày. Kết quả dự báo là con số này có thể đạt đỉnh chỉ trong vòng 2 ngày tới, sớm hơn một vài ngày so với ước tính trước đây. Nguyên nhân là do virus SARS-CoV-2 đã lây lan nhanh hơn dự tính.
Biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ tiếp tục lây lan trên thế giới. Theo thông báo mới nhất của giới chức Algeria và Morocco, biến thể này đã xuất hiện ở 2 nước này. Đến nay, biến thể phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia, làm dấy lên quan ngại trên toàn cầu và nhiều nước đã cấm nhập cảnh đối với những người từ Ấn Độ.
Thế giới ghi nhận hơn 667.000 ca COVID-19 trong 24 giờ
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 4/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 154.172.596 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3,22 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 131,56 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 591.514 ca tử vong trong tổng số 33.229.445 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ. Brazil đứng thứ ba với 14.791.434 ca nhiễm và 408.829 bệnh nhân không qua khỏi.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 667. 259 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ, tiếp đến là Mỹ (38.851) ca, Brazil (36.524 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (24.733 ca), Iran (20.732 ca)...
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu diễn biến tích cực hơn khi số ca nhiễm mới toàn khu vực đã giảm 19% trong 1 tuần qua. Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó cho phép nhập cảnh đối với những người đã tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và người dân ở những nước có tình hình dịch bệnh suy giảm.
Tại châu Á, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn trong 1 tuần qua, với tổng số ca nhiễm tăng tới 7%. Trong 24 giờ qua, Indonesia, Philippines và Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ 4.700 ca đến 7.200 ca.
Tại châu Phi, Tunisia vẫn là nước ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất khu vực, với hơn 1.000 ca trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm tại châu lục này cũng đã giảm 13% trong tuần qua. Hiện châu Phi ghi nhận tổng cộng 66.164 ca nhiễm.
Gửi phản hồi
In bài viết