Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại lễ công bố sáng kiến “PM Gati Shakti”.
Được đặt tên là “PM Gati Shakti” (có nghĩa là “Sức mạnh của tốc độ” trong tiếng Hindi), trọng tâm của dự án là tạo ra một nền tảng kỹ thuật số thông suốt, thống nhất, với sự tham gia của 16 bộ, ngành Ấn Độ.
Theo Cố vấn đặc biệt về hậu cần của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Amrit Lal Meena, "PM Gati Shakti" sẽ bảo đảm việc triển khai các dự án không bị quá hạn, hay quá ngân sách. Cùng với đó, sáng kiến được kỳ vọng mang tới thế mạnh cạnh tranh về chi phí, tiết kiệm nhất có thể, khi giúp việc lưu chuyển hàng hóa và linh kiện sản xuất đi khắp lãnh thổ Ấn Độ dễ dàng hơn. Dự án cũng có thể giúp xác định các cụm sản xuất mới và liên kết các địa điểm đó một cách liền mạch với mạng lưới đường sắt, cảng và sân bay của quốc gia. Thực tế, Bộ Giao thông Đường bộ và đường cao tốc Ấn Độ đã sử dụng hệ thống thông tin mới để thiết kế 11 dự án theo kế hoạch Bharatmala trị giá 106 tỷ USD, sẽ hoàn thành 83.677km đường vào cuối năm nay. Tất cả những sự cải thiện này đều nhằm phục vụ mục tiêu cuối cùng là các công ty toàn cầu sẽ quyết định chọn Ấn Độ làm trung tâm sản xuất trong những năm tới đây.
Bình luận về bước tiến mới mẻ và táo bạo, giới quan sát cho rằng, New Delhi triển khai "PM Gati Shakti" lúc này rất hợp lý. Lý do, thứ nhất là, dù có lợi thế về lao động giá rẻ có thể nói tiếng Anh, nhưng sự yếu kém về hạ tầng lâu nay vẫn khiến các nhà đầu tư ngần ngại “đặt chân” tới Ấn Độ. Tuy nhiên, trong nỗ lực cải thiện tình hình, quốc gia Nam Á lại vấp phải nút thắt lớn khi một nửa số dự án cơ sở hạ tầng đang bị trì hoãn, trong khi một phần tư vượt ngân sách dự toán.
Thứ hai, thời gian gần đây, các nhà đầu tư lớn của thế giới có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung và đối tác để ứng phó các tác động từ địa chính trị toàn cầu bất ổn, dịch bệnh... Trong đó, nhiều công ty lớn đã để mắt tới Ấn Độ như một “cứ điểm” sản xuất tiềm năng. Hiện, Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ thông qua Foxconn; trong khi Hyundai, Suzuki, Tata và nhiều doanh nghiệp xe điện cũng từng bước biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất trong khu vực. Để thuyết phục các đối tác này và tạo thuận lợi cho các dự án sản xuất sớm đi vào hoạt động, sự thông suốt về hậu cần và nhanh gọn về thủ tục hành chính là không thể thiếu...
Thêm nữa, với tốc độ phát triển nhanh chóng dự kiến trong thời gian tới, một hệ thống quản lý toàn diện mà "PM Gati Shakti" mang lại sẽ không chỉ bảo đảm tính hiệu quả trong điều hành kinh tế của Chính phủ Ấn Độ, mà còn giúp New Delhi sớm nhận biết những “điểm đen”, hay các khoảng trống cần bù đắp trong hệ sinh thái hạ tầng phục vụ kinh tế của mình. Đây là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức tăng trưởng, tạo tiền đề tiếp tục theo đuổi những tham vọng mới.
Có thể nói, "PM Gati Shakti" không những là sự khẳng định đối với cam kết gia tăng đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại của Chính phủ Ấn Độ, mà việc triển khai dự án cũng chính là chìa khóa để khơi thông các hoạt động kinh tế, mở ra tiến trình phát triển toàn diện cho nền kinh tế lớn thứ sáu của thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết