Người dân ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ vây quanh 1 xe chở đá để giảm nhiệt giữa nắng nóng gay gắt,
ngày 28/4/2022. (Ảnh: Reuters)
Hiện nhiều khu vực của Nam Á đang phải đối mặt với 1 đợt nắng nóng gay gắt bắt đầu từ tháng 3 vừa qua, khi nhiệt độ tăng cao hơn vài độ so với mức trung bình nhiều năm.
Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, quốc gia này đã trải qua tháng 3 nóng nhất trong hơn 1 thế kỷ qua. Nhiều khu vực ở phía bắc, phía tây và phía đông Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ tăng lên tới hơn 40 độ C trong tháng 4.
Theo đại diện giới chức y tế bang Maharashtra, nguyên nhân dẫn đến những ca tử vong kể trên là do đột quỵ bởi nắng nóng. Trong đó, đa số các nạn nhân sinh sống ở vùng nông thôn của bang.
Tại bang miền đông Odisha, nhà chức trách cho biết, một người đàn ông 64 tuổi đã tử vong vì say nắng hôm 25/4, trong khi hàng trăm người khác cần phải được chăm sóc y tế.
Tại Subarnapur, quận ghi nhận mức nhiệt cao nhất ở bang Odisha, mức nhiệt đo được trong ngày hôm nay (3/5) đã lên tới 43,2 độ C.
Theo các chuyên gia khí tượng, đợt nắng nóng hiện tại có liên quan tới biến đổi khí hậu và báo hiệu 1 mùa hè gay gắt sớm bắt đầu ở Nam Á.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, hơn 1 tỷ người ở Ấn Độ và nước láng giềng Pakistan đang rất dễ bị tổn thương bởi cái nóng khắc nghiệt, trong bối cảnh những rãnh gió mùa gây mưa làm mát dự kiến sẽ chỉ xuất hiện trong tháng tới và tình trạng mất điện ngày càng thường xuyên ở nhiều vùng.
Sau 5 năm liên tiếp đạt mức thu hoạch kỷ lục, đợt nắng nóng này được dự báo cũng sẽ làm giảm sản lượng thu hoạch lúa mì mùa vụ năm nay của Ấn Độ, vốn là nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới.
Ngoài ra, do nhu cầu dùng điện tăng cao, các công ty phát điện tại nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu than để sản xuất điện. Chính phủ Ấn Độ đang làm việc cùng các công ty trên để đẩy mạnh nhập khẩu than đá.
Người dân Pakistan giải nhiệt trong kênh nước ở Lahore, ngày 29/4/2022. (Ảnh: Getty Images)
Trong khi đó, nước láng giềng Pakistan cũng đã trải qua tháng 3 nóng nhất trong hơn 6 thập kỷ qua, buộc giới chức nước này phải phát cảnh báo nắng nóng, trong bối cảnh các đợt sóng nhiệt vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Pakistan, bà Sherry Rehman cho biết, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan đã đi thẳng từ mùa đông sang mùa hè mà không trải qua mùa xuân.
Theo bà Rehman, sau tháng 3 nóng kỷ lục kể từ năm 1961, nhiệt độ tại Pakistan được dự báo sẽ tăng từ 6 đến 8 độ C so với nền nhiệt trung bình nhiều năm. Ở nhiều vùng của đất nước, nền nhiệt đã chạm ngưỡng 47 độ C.
Hối thúc chính quyền trung ương và các địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa nắng nóng gay gắt, bà Rehman cũng cho biết thêm, Chính phủ Pakistan đã yêu cầu các cơ quan quản lý thiên tai cấp tỉnh chuẩn bị ứng phó khẩn cấp nguy cơ lũ quét ở các tỉnh miền núi phía bắc, do băng đang tan với tốc độ nhanh dưới nắng nóng.
Theo Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan, các dòng sông băng trên dãy Himalaya, Hindu Kush và Karkoram đã tan chảy nhanh chóng, tạo ra hàng nghìn hồ băng ở miền bắc Pakistan, trong đó có khoảng 30 hồ có nguy cơ gây lũ lụt bất ngờ, khiến khoảng 7 triệu người dễ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhu cầu điện năng gia tăng cùng với tình trạng thiếu nhiên liệu và các vấn đề cơ sở hạ tầng khác cũng gây áp lực lên hệ thống điện của Pakistan, dẫn đến việc cắt điện thường xuyên để giảm phụ tải, trong đó người dân ở tỉnh phía bắc Khyber Pakhtunkhwa có thời điểm mất điện từ 10 đến 14 giờ mỗi ngày.
Gửi phản hồi
In bài viết