Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (áo trắng) tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Ấn Độ - Các quốc đảo Thái Bình Dương, tháng 5-2023.
Trong tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Ấn Độ - Các quốc đảo Thái Bình Dương (FIPIC), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố 12 dự án tại các quốc gia thành viên của diễn đàn. Bộ Ngoại giao Ấn Độ gọi đây là kế hoạch hành động 12 bước trong khuôn khổ Chính sách hành động hướng Đông mà New Delhi tham vọng thực hiện trong thời gian tới. Các dự án bao gồm nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, năng lượng tái tạo và an ninh mạng; trong đó, đáng chú ý là siêu bệnh viện chuyên khoa tim mạch ở Fiji và hỗ trợ thành lập các đơn vị lọc máu ở tất cả các quốc đảo Thái Bình Dương (Cook, Marshall, Solomon, Fiji, Kiribati, Micronesia, Nauru, Niue, Palau, Papua New Guinea, Tonga, Tuvalu và Vanuatu).
Năm nay là một năm bận rộn của Ấn Độ với tư cách là Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Chủ tịch luân phiên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây là cơ hội để quốc gia Nam Á thể hiện tham vọng và năng lực của chính mình như là một cường quốc đang nổi, một cực quan trọng trong thế giới đa cực. Tất cả các sự kiện chính trị, kinh tế mà Ấn Độ tham gia đều nhằm mục tiêu thể hiện quan điểm này. Ở mục tiêu dài hạn, Ấn Độ còn mong muốn góp tiếng nói định hình nhiều vấn đề trọng đại và giải quyết các thách thức mà thế giới đang đối mặt.
Để thực hiện được tham vọng nói trên, New Delhi không thể để lỡ cơ hội trong các cuộc đua mở rộng tầm ảnh hưởng tại nhiều khu vực, bao gồm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Lần đầu tiên được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố tại Đối thoại Shangri - La năm 2018, Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đánh giá là sự tổng hợp giữa hai nhóm chính sách “Hành động hướng Đông” và “Hành động hướng Tây”, tạo nên một chỉnh thể trong chiến lược của nước này tại khu vực đang có sức hút chiến lược này.
Cách tiếp cận của Ấn Độ trong chiến lược này là bao trùm, vượt lên các vấn đề an ninh truyền thống hay các thách thức địa - chính trị. Ấn Độ đồng thời muốn thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề môi trường liên quan tới lĩnh vực biển và đại dương. Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ bao gồm 6 nhóm ưu tiên: An ninh hàng hải; hệ sinh thái biển và tài nguyên biển; xây dựng năng lực thực thi hàng hải và chia sẻ thông tin; quản lý và giảm rủi ro thảm họa; hợp tác khoa học và công nghệ; kết nối thương mại và vận tải biển. Đây là lý do Ấn Độ coi việc tăng cường hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương là ưu tiên trong chính sách đối ngoại trong thời gian tới.
Xét về khía cạnh địa chiến lược, các đảo quốc Thái Bình Dương mang lại cho những nước này giá trị quân sự rất cao. Mặc dù tổng diện tích đất liền không lớn nhưng diện tích biển lại là hơn 30 triệu ki lô mét vuông. Nhiều đảo và đá ngầm có thể xây dựng sân bay và các khu cảng nước sâu, trở thành địa điểm lý tưởng để xây dựng căn cứ hải quân và triển khai trang thiết bị quân sự. Những yếu tố này hỗ trợ cho các chính sách của Ấn Độ cũng như các nước đồng minh, đặc biệt là nhóm Bộ Tứ (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ).
Các chuyên gia cho rằng, là một cường quốc đang nổi lên với vị trí địa - chính trị quan trọng, nhiều tiềm năng phát triển, Ấn Độ sẽ tiếp tục khẳng định vị thế và ảnh hưởng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, qua đó hiện thực hóa vai trò dẫn dắt, chủ trì, điều phối hợp tác ở cả trong và ngoài khu vực.
Gửi phản hồi
In bài viết