Lối vào đường hầm nơi các công nhân bị mắc kẹt.
Một máy khoan mới đã được chuyển đến địa điểm xảy ra tai nạn ở bang Uttarakhand để thay thế chiếc máy bị hư hỏng khi khoan qua đá và mảnh vụn. Devendra Patwal, một quan chức phụ trách xử lý thảm họa cho biết, đội kỹ thuật đã sử dụng máy khoan để tạo đường hầm và đưa một đường ống rộng khoảng 80cm thông tới nơi các công nhân bị kẹt. Cho đến nay, máy khoan đã xuyên được 24m qua khu vực bị sập, nhưng còn 60m mới tới chỗ các công nhân gặp nạn.
Các chuyên gia lo ngại rằng, rung động cường độ cao của máy khoan có thể khiến đất đá tiếp tục sập xuống, gây nguy hiểm cho các công nhân. Các quan chức đang xem xét các góc độ mới để giải cứu, bao gồm khả năng sử dụng máy để khoan từ đỉnh đồi xuống nơi các công nhân đã bị mắc kẹt. Phương pháp này có thể giảm bớt lượng đất đá rơi xuống song khoảng cách phải khoan để tiếp cận nhóm công nhân lên tới hơn 100m, tức là cần thêm 4 hoặc 5 ngày.
Hiện nay, 2 bác sĩ được phân công bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho các công nhân. Nhà chức trách đã mở rộng đường ống chuyên cung cấp thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu. Việc cung cấp ôxy đang được duy trì qua một đường ống riêng.
Trong nỗ lực giải cứu, Ấn Độ cũng đã liên hệ với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm nhờ hỗ trợ. Trong số này có đội cứu hộ từng giải cứu thành công đội bóng nhí Thái Lan kẹt trong hang động năm 2018. Đường hầm bị sập, dài khoảng 4,5km, là một phần của dự án đường Char Dham. Đây là dự án trị giá hàng triệu USD do chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi điều hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi đến thăm các đền Hindu giáo nổi tiếng của Ấn Độ và tăng cường kết nối với khu vực biên giới giáp Trung Quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết