Người dân nghèo tại Vallecas (Madrid, Tây Ban Nha) chọn lựa quần áo
từ các hoạt động quyên góp từ thiện.
Số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, trong năm 2019 có khoảng 92,4 triệu người ở các nước Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với nguy cơ nghèo đói hoặc bị xã hội “đào thải”, tương đương với 21,1% dân số. Sang năm 2020, đại dịch Covid-19 “bồi thêm cú sốc”, khiến mức sống người dân ngay cả ở những nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất khu vực cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, đại dịch đã “lột trần” những rủi ro và bất bình đẳng được biết đến trong nhiều thập niên qua tại Lục địa già.
Theo số liệu mới nhất của Ủy ban châu Âu, mức suy giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 là 12,4% ở Tây Ban Nha, 9,4% ở Pháp và 5,6% ở Đức. Một số nước như Italia, Tây Ban Nha, Pháp... chịu ảnh hưởng khá nặng nề, bởi nguồn thu phụ thuộc nhiều vào du lịch. Các ngành nghề vốn là lợi thế của nhiều nước châu Âu như nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không… đều rơi vào cảnh lao đao, khiến nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa. Khó khăn kinh tế tác động trực tiếp tới thị trường việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn EU tăng từ 6,7% năm 2019 lên 9% năm 2020 và được dự báo chỉ giảm nhẹ trong năm 2021.
Một số chuyên gia quan ngại thu nhập trung bình của người trẻ tại châu Âu phải tới năm 2024 mới có thể phục hồi, dần lấy lại đà tăng trưởng. Cơ hội việc làm và thu nhập suy giảm đã đè nặng lên túi tiền của người dân châu Âu suốt năm 2020 và trở thành gánh nặng trong năm 2021. Eurostat ghi nhận, cứ 10 lao động tại châu Âu thì có 1 người nằm trong diện nguy cơ đói nghèo, cần hỗ trợ thực phẩm. Thống kê của Liên đoàn các ngân hàng thực phẩm châu Âu (FEBA) cho thấy, nhu cầu hỗ trợ thực phẩm đã tăng khoảng 30%, với mức tăng cao nhất lên tới 90% ở một số quốc gia so với giai đoạn trước khi có đại dịch.
Lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phải cung cấp thức ăn cho trẻ em đói ăn ở Anh trong bối cảnh ngày càng có nhiều trẻ đối diện nguy cơ thiếu đói. Các chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ kép, khi nhiều người dân châu Âu phải đối mặt với sự cô đơn và căng thẳng về tâm lý.
Để chống lại dịch Covid-19, đẩy lùi nghèo đói, EU cùng các chính phủ thành viên đã huy động hàng trăm tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế, với trọng tâm là bảo vệ các doanh nghiệp, hạn chế tối đa tình trạng sa thải lao động. Tại Anh và Pháp, chính phủ thậm chí còn duy trì chế độ trả đến 80% lương cho người lao động tại các doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Trong giai đoạn chuyển giao năm mới, chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đã được các nước châu Âu khẩn trương triển khai trên diện rộng. Ngay đầu tuần này, Anh đã xúc tiến kế hoạch tiêm chủng tại 2.700 điểm tiêm trên khắp lãnh thổ. EU đang theo đuổi mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 30% dân số của khối trước khi quý I-2021 kết thúc, tiến tới ngưỡng trên 60% trong mùa hè tới. Điều này bước đầu tạo ra hệ thống miễn dịch cộng đồng, từ đó tiến tới cơ hội khôi phục tăng trưởng nền kinh tế.
Các nhà phân tích cho rằng, năm 2021 là giai đoạn chuyển giao quan trọng của các quốc gia châu Âu trong nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19. Bên cạnh quyết tâm chống dịch và duy trì nền kinh tế, chính phủ các nước cần chú trọng bảo đảm an sinh cho người dân. Nếu làm tốt "nhiệm vụ kép" này, Lục địa già sẽ sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng, tình trạng nghèo đói theo đó cũng sẽ được đẩy lùi.
Gửi phản hồi
In bài viết