Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Châu Âu
Theo Guardian ngày 13-9, bốn giám đốc y tế của Anh đã quyết định trẻ em từ 12 đến 15 tuổi của nước này sẽ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, với kỳ vọng một chương trình tiêm chủng hàng loạt cho trẻ em có thể giúp giảm số ca mắc mới Covid-19 trong mùa thu và mùa đông này. Theo đó, trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 15 ở Anh sẽ được tiêm một liều vắc xin Pfizer.
Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI) tại Anh sẽ xác định về việc có tiêm liều thứ hai cho nhóm đối tượng trẻ em trên hay không, sau khi nghiên cứu thêm các dữ liệu trên toàn cầu.
Nhằm tránh những rủi ro và quá tải cho hệ thống y tế có thể xảy ra trong làn sóng dịch thứ tư được dự đoán vào cuối tháng 9 và tháng 10 tới, Đức đã khởi động Tuần lễ tiêm chủng trên toàn quốc, theo đó, người dân trên khắp đất nước đều có thể đến tiêm vắc xin mà không cần hẹn hay đăng ký trước.
Chiến dịch tiêm chủng toàn quốc diễn ra khi tỷ lệ mắc Covid-19 trong 7 ngày qua trên cả nước tăng lên 81,9 ca/100.000 dân. Kể từ ngày 11-10, Đức sẽ ngừng việc xét nghiệm miễn phí. Quyết định trên được cho sẽ gây khó khăn cho những người chưa tiêm chủng khi tham gia các hoạt động công cộng.
Ngày 13-9, gần 4 triệu trẻ em tại 10 khu vực của Italia đã trở lại trường học, với các quy định mới về thẻ xanh Covid-19 dành cho giáo viên và phụ huynh. Khi năm học mới bắt đầu, Italia vẫn giữ nguyên các quy định phòng, chống dịch Covid-19 từ năm ngoái như thời gian vào lớp và kết thúc học khác nhau, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang cho trẻ em trên 6 tuổi và thực hiện giãn cách trên các xe buýt trường học.
Sự khác biệt chính trong năm học này là giáo viên, nhân viên nhà trường, nhân viên bên ngoài và phụ huynh khi vào trường phải mang theo thẻ xanh - một chứng chỉ kỹ thuật số hoặc giấy cho thấy họ đã được tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc phục hồi từ Covid-19.
Châu Á - châu Đại dương
Theo Reuters ngày 13-9, các ca nhiễm Covid-19 ở Singapore vào cuối tuần qua đã gấp 10 lần so với một tháng trước và số lượng bệnh nhân mắc bệnh nặng cũng tăng lên.
Với 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Singapore đã không gặp phải số lượng lớn các ca bệnh nghiêm trọng nhưng số ca mắc mới ngày càng tăng đang khiến nước này lo ngại về việc mở cửa trở lại.
Cùng ngày, Lào ghi nhận 198 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên tới 17.555 ca, trong đó có 16 người tử vong. Bộ Y tế Lào nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trong khi nhiều tỉnh ở Lào vẫn tiếp tục ghi nhận các cụm dịch trong cộng đồng.
Bộ Y tế Lào đang xem xét nâng cấp độ nguy cơ lây nhiễm ở một số địa phương nếu tiếp tục không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt và người dân không hợp tác trong việc tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.
Campuchia ghi nhận thêm 629 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này kể từ đầu mùa dịch đến nay vượt ngưỡng 100.000 ca (cụ thể là 100.133 ca), trong đó có 2.049 ca tử vong. Diễn biến dịch Covid-19 tại Campuchia có xu hướng xấu đi kể từ ngày 10-9 với số ca nhiễm tăng trong số lao động Campuchia trở về từ Thái Lan và số ca nhiễm biến chủng Delta tại Phnom Penh cũng như trên cả nước tiếp tục tăng.
Campuchia dần tiến tới hoàn thành mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng khi gần 98% người dân từ 18 tuổi trở lên ở nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng Covid-19.
Indonesia ghi nhận thêm 2.577 ca mắc mới, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu tháng 3-2020 đến nay lên 4.170.088 ca.
Ngày 10-9, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố, Indonesia sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số vào cuối năm nay. Sau gần 1 tháng thí điểm mở cửa hạn chế, Sở Giáo dục và Đào tạo Jakarta đang lên kế hoạch mở cửa trở lại khoảng 900 trường học từ mẫu giáo đến phổ thông trung học vào ngày 27-9 tới.
Tại Trung Quốc, thành phố Phủ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến, ở phía Nam, đã yêu cầu đóng cửa các rạp chiếu phim, phòng tập thể hình, chặn các lối ra vào các tuyến đường cao tốc và yêu cầu người dân không rời địa phương trong thời gian ứng phó với đợt bùng phát dịch mới. Tình hình dịch bệnh tại thành phố hơn 3 triệu dân này đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, dự báo có nhiều ca mắc mới sẽ xuất hiện trong cộng đồng, trường học và nhà máy trong những ngày tới.
Theo NHC, từ ngày 10 đến 12-9, tỉnh Phúc Kiến ghi nhận 43 ca mắc tại địa phương, trong đó riêng thành phố Phủ Điền ghi nhận 35 ca, với một số ca có sự xuất hiện của biến chủng Delta.
Tại Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao nước này ngày 13-9 quyết định gia hạn cảnh báo "Chú ý đặc biệt về du lịch" đến hết ngày 13-10 tới. Cảnh báo này áp dụng với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Chính phủ Nhật Bản xác nhận hơn 50% dân số nước này đã được tiêm hai mũi vắc xin ngừa Covid-19. Nếu duy trì tốc độ tiêm chủng như hiện nay, đến cuối tháng này, hơn 60% dân số Nhật Bản sẽ được tiêm vắc xin đủ liều, và nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt tới 80% sẽ có tác động đáng kể đến các nỗ lực chống dịch hiện nay. Với kỳ vọng ngày càng gia tăng về tỷ lệ người dân được tiêm chủng đủ liều, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ nới lỏng các khuyến cáo về việc đi lại cũng như về các sự kiện lớn vào tháng 11 năm nay.
Tại Ấn Độ, tâm lý tự mãn của một bộ phận người dân khi thấy số ca mắc và tử vong trong nước giảm đang gây lo ngại rằng nhiều người có thể bỏ tiêm mũi vắc xin thứ hai, ảnh hưởng tới những nhóm người dễ bị tổn thương bởi đại dịch. Đến nay, Ấn Độ đã tiêm hơn 744 triệu liều vắc xin, với 60% trong số 944 triệu dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi và 19% tiêm đủ hai mũi.
Australia ngày 13-9 thông báo nới lỏng các quy định phong tỏa phòng dịch Covid-19 đối với những người tại Sydney đã tiêm đủ liều vắc xin, theo đó cho phép người dân được đi cắm trại theo nhóm nhỏ, lần đầu tiên sau nhiều tháng.
Trong bối cảnh bảo đảm được nguồn cung bổ sung nhằm tăng tốc chương trình tiêm vắc xin, từ ngày 13-9, Australia sẽ mở rộng chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có khoảng 1 triệu trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 15.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố, tiếp tục duy trì biện pháp phong tỏa tại thành phố lớn nhất nước này Auckland để khống chế sự lây lan của biến chủng Delta.
Châu Mỹ
Kết quả cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 13-9 cho thấy, đa số người Mỹ ủng hộ việc tiêm chủng cho những người đến nơi làm việc, trường học và tham dự các sự kiện thể thao.
Cuộc thăm dò dư luận của truyền hình CNN và SSRS cho thấy, 54% số người được hỏi cho biết họ sẽ ủng hộ việc yêu cầu nhân viên văn phòng phải tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trước khi trở lại làm việc, trong khi 46% có quan điểm ngược lại. Đối với việc tới trường học, 55% số người được hỏi ủng hộ yêu cầu tiêm chủng cho trẻ em tham gia các lớp học trực tiếp, trong khi 45% phản đối quan điểm này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã công bố chính sách mới về việc những chủ sử dụng lao động có 100 nhân viên trở lên bắt buộc phải tiêm vắc xin hoặc xét nghiệm hằng tuần.
Gửi phản hồi
In bài viết