Không ít người đã kỳ vọng món phụ kiện mới cho phép họ giám sát con cái khi chúng đến trường, hay kiểm soát thú nuôi tránh thất lạc. Tuy nhiên, những ứng dụng đậm tính thực tế này lại là điều Apple đề nghị không nên thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị iPhone toàn cầu Kaiann Drance và Giám đốc cấp cao về kết nối và cảm biến Ron Huang, Apple thiết kế AirTag chỉ nhằm giúp người dùng giám sát vị trí đồ vật, không phải con người hay động vật. Vì vậy, nếu các bậc cha mẹ cần dõi theo bước chân của con em mình (ví dụ như trong một công viên giải trí hay hội chợ), “Táo” đề nghị sử dụng Apple Watch với tính năng Family Setup, dù chi phí cho lựa chọn này cao hơn AirTag rất nhiều.
Sử dụng kết nối Bluetooth tiết kiệm năng lượng và chip W1 (tương tự AirPods), AirTag có kích thước nhỏ gọn, có thể được đính vào các thiết bị, chìa khóa, túi xách... để giám sát vị trí các món đồ này trên thiết bị số của Apple (ví dụ như iPhone). AirTag cũng được trang bị loa siêu nhỏ, cho phép phát âm thanh trợ giúp người dùng dễ dàng định vị món đồ của mình.
Thực tế, để bảo đảm vấn đề bảo mật, Apple sử dụng cơ chế mã hóa dữ liệu để giới hạn chỉ có chiếc iPhone đã đồng bộ dữ liệu với AirTag mới có thể xem được chính xác vị trí của phụ kiện này. Tuy nhiên, việc người dùng có thể lạm dụng AirTag để theo dõi lẫn nhau vẫn gây nhiều lo ngại.
Bên cạnh đó, AirTag với kết cấu pin tháo rời cũng sẽ dễ dàng bị kẻ xấu vô hiệu hóa. Điều này khiến nó phù hợp với vai trò một phụ kiện tiện ích cá nhân hơn là công cụ hỗ trợ chống kẻ trộm.
Ứng dụng Find My trên iPhone có thể chỉ hướng để người dùng tìm tới AirTag đã đồng bộ trước đó với sai số chỉ vài xăng ti mét.
Theo kế hoạch, AirTag bắt đầu mở bán vào ngày 23-4 (giờ Mỹ), với giá khoảng 29 USD cho một sản phẩm đơn lẻ và 99 USD cho gói gồm 4 chiếc.
Gửi phản hồi
In bài viết