ASEAN tăng cường hợp tác cùng vượt qua thách thức

Ðứng trước nhiều thử thách, trong đó có đại dịch Covid-19, Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) nỗ lực duy trì đoàn kết, thúc đẩy hợp tác nội khối cũng như với các đối tác nhằm ứng phó, phục hồi sau dịch bệnh, đồng thời giữ vững đà xây dựng Cộng đồng và vai trò trung tâm trong khu vực. Sau thành công của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng các nước thành viên tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực chung của Hiệp hội.


ASEAN thúc đẩy quan hệ với các đối tác. Ảnh ASEAN.ORG

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các nước thành viên đều nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung vắc-xin. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, các nhà lãnh đạo ASEAN thành lập Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 nhằm hỗ trợ tài chính các nước thành viên. Ðến nay, số tiền cam kết đóng góp cho Quỹ đã đạt hơn 20,8 triệu USD. Ban Thư ký ASEAN đang hoàn tất các điều khoản cuối cùng trong thỏa thuận với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ mua vắc-xin cho các nước thành viên.

Nhằm giảm tác động của dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi trong ASEAN, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và các kế hoạch triển khai được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37. Theo đó, ASEAN tập trung thực hiện các sáng kiến, biện pháp cụ thể trong ba giai đoạn chính là tái mở cửa, phục hồi và tự cường. Tính đến tháng 6/2021, có 28 sáng kiến được hoàn tất, 73 sáng kiến đang được xem xét và 68 sáng kiến đang trong quá trình triển khai. ASEAN cũng ra Tuyên bố về việc tiến tới thành lập Hành lang đi lại ASEAN, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại trong khối, bảo đảm tuân thủ các quy định y tế của khu vực và từng nước thành viên, đồng thời hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Ðến nay, ASEAN đã nhất trí được một số nội dung về quy định đi lại, an toàn y tế và phòng dịch... Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng thành lập Trung tâm ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi nhằm nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng ứng phó.

Về quan hệ đối ngoại, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác; đồng thời thúc đẩy quan hệ với các đối tác mới, các bên muốn trở thành đối tác của Hiệp hội. ASEAN đang xem xét tích cực đề xuất của Trung Quốc và Australia (Ô-xtrây-li-a) về việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước này với Hiệp hội lên Ðối tác chiến lược toàn diện. ASEAN nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - G7 vào tháng 12 tới. Ngoài ra, ASEAN cũng khuyến khích các đối tác hỗ trợ các nước thành viên kiểm soát, ứng phó dịch Covid-19 và hợp tác giải quyết các thách thức chung. Trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế có những diễn biến phức tạp, ASEAN tiếp tục khẳng định tiếng nói chung, thúc đẩy đối thoại và hợp tác, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển.

Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng", ASEAN đã duy trì đối thoại, hợp tác và ứng phó kịp thời, hiệu quả với những thách thức chưa từng có. Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam ủng hộ Brunei, nước Chủ tịch ASEAN 2021, thúc đẩy đoàn kết và năng lực tự cường của Hiệp hội, triển khai hiệu quả các ưu tiên đề ra trong năm nay, đưa các nước thành viên vượt qua dịch bệnh, từng bước phục hồi, xây dựng Cộng đồng vững mạnh và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Theo Nhân Dân Điện tử

Tin cùng chuyên mục