Ba ngôi đền thiêng ở Ninh Bình

Đền Nội Lâm; Đền Vực Vông; Đền Thái Vi là 3 ngôi đền thiêng ở Ninh Bình.

Đền Nội Lâm

Đền Nội Lâm (hay đền Trần) là nơi thờ thánh Quý Minh Đại vương và phu nhân là Hoàng phi quý nương. Theo truyền thuyết, Quý Minh Đại vương cùng người em ruột Cao Sơn Đại vương là em họ của đức Tản Viên Sơn thánh.

Tương truyền, Quý Minh Đại vương là vị thủy thần đã hỗ trợ Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh, sau này trấn giữ ải Sơn Nam (trấn nam của Hoa Lư tứ trấn) và dẹp giặc, bảo vệ đất nước dưới thời vua Hùng thứ XVIII.

Đền Nội Lâm nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An ngày nay. Đền có quy mô khiêm tốn, được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh với lối kiến trúc hình chữ “Nhị”, gồm hai tòa liền nhau. Tòa tiền bái 3 gian 2 dĩ, mái kiểu cuốn vòm. Tiền bái không có cửa mà chỉ có hai hàng cột bằng đá, chạm nổi hình rồng, mây, câu đối và hoa lá cách điệu. Chính giữa tòa tiền bái đặt một nhang án thờ, hậu cung có một ban thờ cũng được làm bằng đá xanh nguyên khối.

Trải qua nhiều thế kỷ, đền Nội Lâm vẫn giữ được vẻ cổ kính giữa vùng núi non, sông nước Tràng An.

Đền Vực Vông

Nằm trong Khu di tích Cố đô Hoa Lư, đền Vực Vông (thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) được khởi dựng vào thế kỷ XVI, là nơi thờ phu nhân của Mỹ Quận công, húy danh là Nguyễn Thị Niên. Bà là người có công xóa bỏ hủ tục hiến trinh nữ cho thuồng luồng dưới vực xoáy để không gây ngập lụt và tai họa cho dân làng.

Để tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân đã suy tôn bà là mẫu Thoải và xây dựng đền thờ ở khu vực có vực xoáy, vì vậy, đền được đặt tên là đền Vực Vông. Ngôi đền nằm trong thế “tựa sơn hướng thủy”, phía trước là dòng sông Hoàng Long, sau lưng là núi.

Đền có kiến trúc kiểu chữ “Tam”, gồm 3 tòa: Bái đường, Trung đường và Chính cung. Sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc ngày nay của đền chịu ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Đền Thái Vi

Đền Thái Vi nằm trong quần thể Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, thuộc địa phận thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Nhân dân thôn Văn Lâm xây dựng đền Thái Vi trên nền đất cũ của am Thái Vi để tưởng nhớ công ơn các vua Trần đã lập Hành cung Vũ Lâm.

Đền Thái Vi có lối kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, phần lớn các hạng mục được làm bằng đá xanh nguyên khối, chạm khắc hoa văn tinh xảo như sân rồng, giếng ngọc, cột đá, xà hiên, ngũ đại môn... Bên trong đền là hệ thống tượng, bia đá và chuông cổ có giá trị lớn.

Hằng năm, Lễ hội đền Thái Vi được tổ chức từ ngày 14 đến 17 tháng Ba nhằm tái hiện lễ ăn mừng chiến thắng của vua và tưởng nhớ các vị anh hùng đã bảo vệ đất nước.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục