Thống đốc BoJ Kazuo Ueda phát biểu tại buổi lễ công bố lưu hành các đồng tiền mới của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.
Đây là điều chỉnh thiết kế tiền đầu tiên mà Nhật Bản tiến hành sau 2 thập kỷ, trong bối cảnh giá trị đồng yên đang suy giảm nghiêm trọng. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản vào năm 2019 đã công bố kế hoạch thiết kế lại tiền giấy, cho phép các tổ chức tài chính và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Về thiết kế, ngoài khác biệt về hình ảnh, các tờ tiền mới in, số mệnh giá với kích thước lớn hơn để tăng khả năng nhận dạng, đồng thời, có kèm đánh dấu xúc giác hỗ trợ người khiếm thị.
Hiện, hầu hết máy ATM và máy bán vé giao thông công cộng của Nhật Bản đã được điều chỉnh để xử lý các tờ tiền mới. Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản vẫn cảnh báo về tính tương thích của một số loại máy bán hàng tự động.
Các lô tờ tiền mới đầu tiên, có hình in nổi các nhân vật lịch sử, đã được vận chuyển từ trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bằng xe tải đến các tổ chức tài chính. Người tiêu dùng đã có thể nhận được tiền mới tại các ngân hàng và máy rút tiền tự động. Dĩ nhiên, tiền giấy trước đó vẫn còn giá trị.
Theo kế hoạch, BoJ sẽ in khoảng 1.600 tỷ yên lượng tiền mới. Chia sẻ về động thái này, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho rằng, tiền giấy vẫn là một "phương pháp thanh toán quan trọng" ngay cả trong thời đại chứng kiến xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng.
Người dân ở Fukaya (Saitama) ăn mừng tại sự kiện đếm ngược phát hành ba loại tiền giấy mới vào rạng sáng 3-7. Ảnh: Kyodo.
Các tờ tiền mới cũng được người dân Nhật Bản đón nhận nồng nhiệt. Tại thành phố Fukaya (tỉnh Saitama, gần Tokyo), một sự kiện đếm ngược đã được tổ chức để đón chào tờ 10.000 yên mới có hình Eiichi Shibusawa (1840-1931), được gọi là "cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản". Ông Eiichi Shibusawa là người con của thành phố này.
Trong khi đó, nhà giáo dục Umeko Tsuda (1864-1929), người luôn cố gắng nâng cao địa vị của phụ nữ trong xã hội, được xuất hiện trên tờ 5.000 yên.
Tờ 1.000 yên mới mang hình ảnh nhà vi sinh vật học Shibasaburo Kitasato (1853-1931), được mệnh danh là "cha đẻ của y học Nhật Bản hiện đại".
Gửi phản hồi
In bài viết