Bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Thời gian gần đây, khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) cũng như Trung ương ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và kết luận quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trên một số trang mạng xã hội phản động lập tức xuất hiện nhiều bài viết, bài bình luận, hình ảnh cắt ghép với nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối và những thành tựu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tỉnh táo, nhận diện chính xác, đấu tranh hiệu quả, kịp thời để bác bỏ mọi luận điệu sai trái.

Cụm pa nô, áp phích chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại đường Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Quang Thái

1. Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam đã quá khôn ngoan khi đưa vấn đề xây dựng Đảng thành vấn đề then chốt nhưng đó chỉ là kiểu “giật gấu vá vai”. Tình trạng này tất yếu sẽ khiến Đảng đổ vỡ và tan rã”; hay công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng của Việt Nam “là cây đã chết từ gốc” và “Đảng đã mục từ cơ sở chứ không bền vững như Tuyên giáo tuyên truyền”.

Hơn nữa, vốn là một công việc bình thường trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vậy mà mỗi khi Đảng ta kỷ luật cán bộ vi phạm, trên một số đài, báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, RFA, RFI, VOA... và các trang mạng xã hội phản động, nhất là tổ chức Việt Tân, xuyên tạc rằng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam là “thanh trừng phe phái” hay “tính hiệu quả không thể cao khi người dân đứng ngoài cuộc chiến chống suy thoái”. Chúng cho rằng việc xử lý cán bộ vi phạm để “tăng cường quyền lực cho khối nội chính, tuyệt đối hóa quyền lực của Đảng”… Cùng với đó, trước một số hạn chế, yếu kém, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, các thế lực thù địch coi đây là cái cớ không gì thuyết phục hơn để xuyên tạc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Những luận điệu cố tình xuyên tạc, phủ nhận công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam thời gian qua xuất phát từ âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch. Mục đích cuối cùng là làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tỉnh táo, nhận diện chính xác, đấu tranh hiệu quả, kịp thời để bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc.

2. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài của một đảng cách mạng chân chính. Sinh thời, V.I.Lênin khẳng định: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Quán triệt tinh thần ấy, không phải đến bây giờ mà trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta thường xuyên chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta và chế độ.

Trong mỗi giai đoạn, thời kỳ, căn cứ vào đặc điểm, bối cảnh, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiệm vụ trọng tâm khác nhau. Nếu như trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ hoạch định đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo; thống nhất tư tưởng và hành động, chống ngả nghiêng, dao động trước khó khăn, khi đối mặt nguy cơ sinh tử, mất - còn; củng cố lòng tin, nâng cao ý chí, tăng cường quyết tâm kháng chiến..., thì trong hòa bình xây dựng đất nước, xây dựng, chỉnh đốn Đảng tập trung vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ để Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới; đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực...

Đặc biệt, trong gần 40 năm đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VI “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VII “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 21-KL/TƯ, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”".

Từ thực tiễn trên có thể khẳng định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vì “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, chứ không như các thế lực thù địch tuyên truyền.

Tuy nhiên, thực tiễn chỉ rõ, Đảng là một tổ chức của những con người ưu tú, tiền phong, song nếu thiếu tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt thì rất dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, sa vào thực dụng, quan liêu, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm và các biểu hiện tiêu cực, suy thoái khác. Vì thế, trong tổ chức của những người con ưu tú đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thiếu gương mẫu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, vướng vòng lao lý, đã bị khai trừ khỏi Đảng…

Những thành tựu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả những hạn chế luôn được chỉ ra rất cụ thể trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng; nhất là trong các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, XII, XIII, khi bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong thông báo và kết luận các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương… Trong đó, thành tựu vẫn là cơ bản. Vì thế, việc các thế lực thù địch chỉ nhìn vào một số hạn chế mà bỏ qua thành tựu, cố ý quy kết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Việt Nam “là cây đã chết từ gốc” và “Đảng đã mục từ cơ sở chứ không bền vững như Tuyên giáo tuyên truyền” là thiển cận, không khách quan, xuyên tạc bản chất vấn đề nhằm bôi đen Đảng nói chung, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng.

3. Thời gian tới, để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới, một trong những nhiệm vụ quan quan trọng là phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lấy kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm cơ sở để đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đạt được yêu cầu này, cần thực hiện tốt những giải pháp:

Một là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải kiên định, vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam; đồng thời, phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm giữa xây dựng với chỉnh đốn; trong đó, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Hai là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; phải được tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, có bước đi, phương pháp phù hợp, lộ trình cụ thể, không nóng vội. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải toàn diện, đồng bộ, triệt để, thường xuyên không ngừng nghỉ về các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ.

Ba là, phải thường xuyên đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng Cộng sản Việt Nam mãi trường tồn cùng dân tộc. Bởi lịch sử 95 năm xây dựng và phát triển của Đảng đã khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tiến sĩ Lê Văn Phong - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam 

Theo Báo Hà Nội Mới điện tử

Tin cùng chuyên mục