Trong cuộc đời công tác của mình, ông đã có nhiều đóng góp trên nhiều cương vị công tác khác nhau, như: Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Tuyên (năm 1988); Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Tuyên Quang (năm 1991); Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang (năm 1993); Chánh văn phòng Tỉnh ủy (năm 1998)... Nhưng trọn cả cuộc đời mình, niềm đam mê lớn nhất của ông là nghiên cứu về mảnh đất Tân Trào lịch sử. Nơi Bác Hồ đã sống, làm việc và hoạch định những đường hướng đúng đắn, sáng tạo cho cách mạng Việt Nam, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Phù Ninh có thể kể đến là “Tân Trào rạng ngày độc lập” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005); “Bác Hồ ở Tân Trào” (Hội VHNT Tuyên Quang năm 1995); “Tân Trào toàn cảnh” (NXB Văn hóa thông tin năm 2000); “Về Tân Trào” (năm 2015); “Trần Nhật Duật”; “Người con gái Thăng Long” (NXB Văn hóa dân tộc). Và chỉ riêng năm 2020 vừa qua, nhà văn Phù Ninh đã xuất bản mới được 3 cuốn sách: “Dòng Lô êm trôi”, “Đền thiêng”, (NXB Hội Nhà văn Việt Nam); “Tha hương” (Nhà Xuất bản Sân khấu) cùng nhiều bài viết về lịch sử văn hóa địa phương đăng tải trên các báo... Đến với các tác phẩm của nhà văn Phù Ninh, người đọc sẽ được tiếp cận với một nguồn sử liệu phong phú, thấy được sự vận động của lịch sử trong những giai đoạn có tính chất bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là thời kỳ trước cách mạng tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược... Năm 2018, cuốn tiểu thuyết tư liệu
“Về Tân Trào” của ông đã đạt Giải C giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Nếu như nhà văn Phù Ninh dành trọn tâm huyết của mình cho Tân Trào thì kiến trúc sư, nhà thơ Thái Thành Vân lại có niềm đam mê sưu tầm những câu chuyện ngày thường về Bác. Nhà thơ Thái Thành Vân, sinh ngày 2/9/1945 tại Đô Lương, Nghệ An. Năm 1970 ông lên Tuyên Quang công tác. Kiến trúc sư Thái Thành Vân là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam 3 nhiệm kỳ liên tiếp và là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Tuyên Quang trong 17 năm (1988 - 2005). Nhà thơ Thái Thành Vân được nhớ đến nhiều qua các tác phẩm “Lời thề”; “Về viếng lăng Bác”, “Trường ca Bác Hồ”, “Di chúc Bác Hồ”... Đặc biệt, cuốn sách “Câu chuyện ngày thường về Bác Hồ” do ông dày công sưu tầm, biên soạn đã liên tiếp được tái bản tới 10 lần, với số lượng lên đến 17.000 bản. Điểm gặp gỡ của hai tác giả Phù Ninh - Thái Thành Vân trong cuốn “Bác Hồ đi kháng chiến” là sưu tầm được phong phú những câu chuyện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Bác ở chiến khu, những câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị, nhưng mang tính giáo dục sâu sắc.
Xuyên suốt cuốn sách “Bác Hồ đi kháng chiến” là hình ảnh một người lãnh đạo gần dân, trọng dân, thương dân sâu sắc. Để giữ được niềm tin trong nhân dân, Bác đã luôn nghiêm khắc với chính mình cũng như với cán bộ, chiến sỹ. Câu chuyện “Làm được như thế, đồng bào sẽ tha thứ” kể về việc một chiến sỹ kiếm được hai ngọn măng mai to. Bác ôn tồn bảo “Các chú xem, những dải rừng quanh đây chỉ có măng nứa, măng vầu. Măng mai là của dân trồng. Chú tìm ngay chủ khóm mai để xin lỗi và bồi thường. Làm được như thế, đồng bào sẽ tha thứ, sẽ hiểu ta, tin ta”. Còn về phần mình, nói về phê bình và tự phê bình, Người tự nhận “ngày nào tôi cũng phê bình và tự phê bình để luôn luôn tự sửa chữa cho tiến bộ, sao cho khỏi phụ lòng của nhân dân đối với tôi”... “nếu ko làm được cho dân thì dân cũng không cần đến nữa”; “dù có bao nhiêu vàng cũng không bảo đảm vững chắc bằng lòng dân”...
Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu tận trung với nước, tận hiếu với dân vẫn mãi in sâu trong lòng các thế hệ người dân Tuyên Quang. Nhớ về Người, biết ơn Người, các nhà văn, nhà thơ đã có nhiều tác phẩm sâu sắc viết về Bác. Nhớ về Bác mỗi người dân trên quê hương cách mạng hôm nay đã và đang đoàn kết một lòng, dựng xây quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc như Bác kính yêu hằng mong ước.
Gửi phản hồi
In bài viết