Nghề làm dâu trăm họ
Bên hiên nhà, với một chiếc tủ đựng dụng cụ đơn giản cùng chiếc ghế gỗ, ông Tạ Hữu Bình vẫn ngày ngày tỉ mẩn "cứu" từng nhịp đập thời gian. Nhiều người bảo ông Bình là "lão làng" trong nghề sửa đồng hồ ở thành phố Tuyên Quang, bởi chỉ cần nói qua ông đã "bắt bệnh" rất nhanh.
Ông Bình đến với nghề như một cái duyên. Ông từng kinh doanh đồ điện tử ti vi, tủ lạnh hơn 10 năm nhưng tình cờ trong 1 lần gặp lại người bạn cũ ông đã bị cuốn theo nghề sửa đồng hồ đến tận bây giờ. Sau hơn 1 năm học nghề chăm chỉ, nghiêm túc, ông sắm cho mình bộ đồ nghề và mở tiệm riêng. Nói là mở tiệm nhưng thực ra chỉ có chiếc tủ nhỏ đựng ít đồ nghề gồm những chiếc hộp với vài tua-vít, kìm, chổi quét, nhíp, búa và treo vài mẫu đồng hồ cũ.
Ông Tạ Hữu Bình.
Ông Bình nhớ lại, hồi mới vào nghề, có những mẫu đồng hồ cấu tạo phức tạp, linh kiện khó tìm hoặc hư hỏng nặng, sửa mãi không được ông cũng dễ sinh bực tức. Dần dần, ông nhận ra muốn gắn bó với nghề này mình cần phải tập tính nhẫn nại. Mỗi chiếc đồng hồ có hàng trăm chi tiết, có những chi tiết rất nhỏ, phải dùng đến kính lúp, kính hiển vi để thực hiện sửa. Dù bất kỳ loại đồng hồ nào khi sửa người thợ cũng phải trải qua nhiều công đoạn từ kiểm tra tình trạng, hiệu chỉnh cân bằng rồi nhích từng ngón tay, nghe từng tiếng máy, dõi mắt theo từng chuyển động của con lắc, cót, kim để điều chỉnh.
Chính việc sửa đồng hồ đã giúp ông rèn được tính kiên nhẫn. Mỗi lần sửa được ca khó ông vui như chinh phục được điều gì lớn lao. Thế nhưng ông bảo, nghề này thu nhập bấp bênh, hôm nào đông khách kiếm cũng được năm, bảy trăm nghìn nhưng có hôm chẳng sửa được cái nào. Có lần, có vị khách tha thiết nhờ ông sửa giúp chiếc đồng hồ cũ là kỷ vật của người thân đã "chết" máy mang đi nhiều tiệm không ai nhận. Biết là khó sửa vì đồng hồ quá cũ lại khó kiếm linh kiện thay nhưng ông vẫn nhận và rồi ông loay hoay mất ba ngày mới giúp chiếc đồng hồ hoạt động trở lại. Nhận lại chiếc đồng hồ được sửa thành công họ cảm ơn ông rối rít.
Góc làm việc quen thuộc của ông Bình suốt 25 năm qua.
Cũng là khách quen của tiệm ông Bình, anh Phạm Văn Thủy, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho biết, anh là khách hàng trung thành với tiệm sửa đồng hồ của ông Bình đã 5 năm nay. Nếu không bị hỏng hay có vấn đề gì thì mỗi năm anh đều mang đồng hồ đến ông bảo dưỡng. Ông vệ sinh máy rất kỹ, thay pin, quai đều lấy giá rất phải chăng, có lần sửa ít ông chẳng lấy đồng nào.
"Níu" nghề
Gắn bó nhiều năm, ông Bình đã trải qua thời kỳ hưng thịnh của nghề này, nhất là những năm 1990, các hiệu sửa đồng hồ thường hiện diện ở những nơi đông người qua lại hay gần khu vực chợ. Thời đó, giá trị của một số chiếc đồng hồ thường được tính bằng chỉ vàng và trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Đặc biệt, đồng hồ là thú chơi trong giới sưu tầm nên có khi ông làm không hết việc. Thu nhập từ nghề giúp ông nuôi 2 con ăn học và trang trải cuộc sống. Có người còn giàu lên nếu biết kết hợp sửa chữa và kinh doanh đồng hồ. Còn giờ đây, muốn tìm một thợ sửa đồng hồ, nhất là những người có thâm niên vài chục năm thì không dễ.
Thời đại công nghệ số, mọi người có thể xem giờ ở bất kỳ phương tiện nào, từ đồng hồ thông minh đến điện thoại di động. Đồng hồ bây giờ nhiều mẫu mã, giá thành đa dạng, khi hỏng người ta thường bỏ, mua cái mới thay vì sửa. Chính điều này làm nghề sửa đồng hồ qua thời hưng thịnh và người làm nghề cũng "lay lắt" theo thời gian.
Nghề sửa đồng hồ đã gian nan, việc học nghề cũng khó khăn không kém. Đơn giản như việc tháo, mở đồng hồ để sửa chữa, bảo dưỡng, người thợ cũng phải mất hàng tháng trời thực hành được. 25 năm làm nghề, ông cũng dạy nghề cho nhiều người nhưng rồi họ cũng bỏ giữa chừng, nhất là những người trẻ. Có học trò của ông ra nghề mở tiệm nhưng cũng chỉ làm được 1 thời gian ngắn là chuyển nghề khác. Bởi công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì, khéo tay. Nghề này cũng cần sự tinh tế, kiên nhẫn hơn là thể lực, ai không đam mê thì sẽ không bám trụ được với nghề.
Là người có thâm niên trong nghề nên ông Bình vẫn được khách hàng tin tưởng tìm đến sửa đồng hồ.
Trò chuyện cùng ông khi có khách mang đồng hồ đến sửa tôi càng thấy nghề này tuy không nặng nhọc nhưng cũng chẳng dễ dàng. Chị khách hàng mang chiếc đồng hồ đến thay pin và quai bị đứt. Sau khi làm xong ông giao cho khách nhưng có vẻ không ưng nên chị nói ông thay quai khác dù dây quai da đó do chị chọn.
Ông vẫn chiều lòng khách nhưng khi thay 1 bộ quai mới chị khách hàng vẫn không ưng ý nên đã bảo ông tháo ra để lắp lại quai trước đó. Ông bảo, nghề này là vậy, phải nguội tính mới làm được, chứ nóng tính sẽ mất khách. Ông cũng bảo tôi phải thật im lặng mới nghe được "hơi thở" của thời gian. Những tiếng tách tách của kim giây, âm thanh trong trẻo phát ra từ chiếc đồng hồ khiến tôi cảm nhận được thời gian, cảm nhận những phút giây tĩnh lặng giữa cuộc sống đầy hối hả.
Miệt mài với những "chiếc máy thời gian", khi ngày càng lớn tuổi, mắt không còn tinh như trước và tay cũng run nên ông Bình khá khó khăn khi vặn ốc hay đặt các chi tiết rất nhỏ vào mặt đồng hồ. Lượng khách giờ khá ít, họ đến chủ yếu lau dầu, thay trục, pin hay thay dây nên thu nhập ít lại. Nhiều lúc, các con khuyên ông nghỉ ngơi nhưng hôm nào không làm ông lại nhớ nghề. Tiếng tích tắc của những chiếc đồng hồ như đã ngấm vào máu thịt của ông nên ngày nào còn "níu" được ông vẫn quyết theo nghề đến cùng, ông Bình bày tỏ.
Gửi phản hồi
In bài viết