Bãi bỏ quy định phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng - Ảnh: VGP/Hiền Minh
Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định "khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng và không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó, trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể".
Theo quy định này, giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố trong vòng 12 tháng trở lại. Điều này không phù hợp với quy luật thị trường, khi giá năm sau thường cao hơn giá năm trước, với những trang thiết bị y tế chưa có giá trúng thầu được đăng tải cũng không có cơ sở để tham khảo giá… dẫn đến nhiều gói thầu không có nhà thầu tham dự vì giá quá thấp, cơ sở y tế không có đủ trang thiết bị y tế để phục vụ bệnh nhân.
Thậm chí, khi mời chào hàng chỉ được quy định đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo, công nghệ mang tính chất trung tính, không được đưa ra các đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn mang tính cá biệt hóa mà không phải là đặc tính cơ bản của sản phẩm. Do vậy nếu căn cứ vào giá thấp thì chỉ lựa chọn được máy móc thiết bị giá rẻ, tính năng thấp hoặc hạn chế về công năng sử dụng.
Theo Bộ Y tế, việc bãi bỏ Khoản 3 Điều 8 tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 6/12/2022.
Sau ngày 6/12/2022, việc xác định giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thực hiện theo Luật Đấu thầu (năm 2013), Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các văn bản có hướng dẫn liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có giá gói thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư 14/2020/TT-BYT trước ngày 6/12/2022 thì cơ sở y tế tiếp tục thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt hoặc thực hiện thủ tục để điều chỉnh giá gói thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu (năm 2013), Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các văn bản có hướng dẫn liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Việc bãi bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong xây dựng giá gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, bảo đảm mua sắm kịp thời trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Cũng theo Thông tư mới số 14/2022/TT-BYT, Bộ Y tế sẽ bãi bỏ toàn bộ 5 văn bản quy phạm pháp luật, gồm:
- Quyết định 36/2006/QĐ-BYT quy định về thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị y tế;
- Quyết định 19/2008/QĐ-BYT ban hành quy chế làm việc của Bộ Y tế;
- Quyết định 38/2008/QĐ-BYT quy định mức giới hạn tối đa của melamin nhiễm chéo trong thực phẩm;
- Thông tư 09/2013/TT-BYT hướng dẫn tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế về y tế tại Việt Nam;
- Thông tư liên tịch 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế.
Gửi phản hồi
In bài viết