Sống giữa đại ngàn
Chuyến lên Phiêng Mu lần này, chúng tôi có người đồng hành là anh Nông Quang Sự, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Yên. Anh Sự cũng rất háo hức lên tìm hiểu đời sống, mô hình kinh tế mới của những người nông dân vượt khó. Anh Sự bảo: “Chúng ta may mắn được anh Giàng Seo Cao, là con trai của ông Giàng Seo Lự sẽ làm nhiệm vụ dẫn đường. Mọi người chú ý bám sát theo đoàn, không để tụt phía sau nếu không sẽ dễ bị lạc trong rừng sâu. Từ trung tâm thôn Cao Đường, chúng tôi phải mất 2 giờ đi bộ men theo đường mòn, luồn lách qua khe suối trơn trượt, những cánh rừng âm u, nhiều đoạn khúc khuỷu, bò lên dốc đứng như đường lên trời mới tới được nhà ông Lự. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Lự ở ẩn trong làn sương mù dày đặc.
Ông Lự giới thiệu về tiềm năng của trồng cây Sa Nhân dưới tán rừng.
Bên bếp lửa ấm cúng, ông Lự giới thiệu, cả khu vực nhà ở, đất sản xuất của gia đình là nơi tiếp giáp với xã Trung Hà (Chiêm Hoá) và xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang). Năm 2006, vợ chồng ông đưa hai con nhỏ chuyển từ huyện Hoàng Su Phì về đây lập nghiệp. Ông Lự nhớ lại: “Ngày đó, sở dĩ mình mua lại được khu đất khá bằng phẳng rộng của một số hộ người Mông vì họ muốn sớm chuyển đi nơi khác. Họ không thiết tha ở lại nữa do đường sá quá khó khăn, tách biệt, nghèo đói mãi đeo bám. Vậy là trên đỉnh núi Phiêng Mu chỉ có nhà mình hiu quạnh giữa đại ngàn”.
Tại nơi ở mới vợ chồng ông Lự chăm chỉ lao động mỗi ngày. Vợ chồng ông hầu như không có ngày nào nghỉ ngơi, hết mùa gieo hạt, chăm sóc, thu hái từ trồng lúa nương, ngô, trồng rau cải, nuôi gà, nuôi lợn, nuôi trâu. Hai đứa con nhỏ cũng phụ giúp bố mẹ các công việc gieo cấy, chăn trâu, gánh nước… Để có đủ thóc ăn cho cả nhà, vợ chồng ông bắt tay cải tạo, khai phá thêm ruộng để cấy lúa nước. Tuy nhiên cái khó là việc dẫn nguồn nước chủ động tưới cho khu ruộng. Ông Lự mất nhiều tuần liền đi khảo sát, tìm cách dẫn nguồn nước về nhà cách hơn 1 cây số. Ban đầu, ông chưa có tiền mua ống dẫn nên phải dùng nứa làm máng lần dẫn nước về nhà.
Ông Giàng Seo Lự mua máy xay xát, máy băm cỏ để giải phóng sức lao động.
Nhớ lại ngày đó, ông Lự nói vui: “Đúng là đói đầu gối phải bò thôi! Nếu chịu khó suy nghĩ tìm hướng giải quyết và chăm chỉ làm việc thì sẽ tìm giải pháp đúng. Khi mình hoàn thành tuyến máng lần dẫn nước về nhà đã tạo lợi ích kép, vừa đủ nước sinh hoạt, giảm thời gian, công sức đi gánh nước mỗi ngày, đặc biệt có đủ nước tưới cho cả khu ruộng rộng lớn, năng suất lúa tăng lên đáng kể giúp gia đình cơ bản đủ thóc ăn”.
Mở hướng tương lai
Khi được hỏi về những khó khăn khi sống giữa nơi đại ngàn, bà Cư Thị Chá hài hước: “Ấy chà, nếu kể hết “cái khó” thì hết cả ngày ngày đó! Ở đâu cũng khó nếu mình lười biếng, không chịu làm gì cả. Mình sẽ vượt qua khó khăn nếu gia đình cùng đoàn kết, chăm chỉ làm ăn. Khó thì nhiều lắm, mọi giao thương đều bị hạn chế. Bên ngoài, ví như khi cần đi chợ bán con gà, con lợn, bao lúa lấy tiền mua mắm, muối phải đi bộ mất cả buổi sáng, đến trưa muộn mới về tới nhà. Khổ nhất là khi ốm đau cần đi khám chữa bệnh, kèm theo việc học hành của hai đứa con cũng đứt gánh. Cũng vì đường sá đi lại quá vất vả nên dù cho đi trọ học nhưng thằng Cao chỉ học hết đến lớp 11, đứa em gái nó chỉ học hết lớp 5. Đi học vui, sướng hơn đi làm nương đấy nhưng nghị lực của hai đứa không vượt qua được núi Phiêng Mu. Tiếc lắm khi khuyên mãi chúng nó vẫn cứ bỏ học ở nhà bám vào ruộng nương, rồi đến tuổi lấy vợ, lấy chồng”.
Cấy lúa 1 vụ, gia đình ông Lự có đủ thóc ăn cho cả năm.
Vợ chồng ông Lự đã lựa chọn hướng đi đúng, phát huy lợi thế đồng cỏ rộng để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản từ chục năm về trước. Ban đầu, ông chỉ đủ vốn mua 1 con trâu cái về nuôi, khi trâu sinh sản ông giữ lại nuôi tăng đàn. Khi đàn trâu ổn định duy trì 8 con, ông bán bớt trâu để mua thêm bò sinh sản về nuôi. Quá trình nuôi, ông Lự tự tích luỹ kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh cho trâu, bò hạn chế tối đa dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ông chủ động trồng thêm cỏ, tích trữ rơm rạ, nấu cháo bổ sung dinh dưỡng, đốt lửa sưởi ấm cho đàn vật nuôi vượt qua những mùa đông giá rét. 5 năm trở lại đây, ông luôn duy trì tổng đàn trâu, bò từ 16 đến 18 con, trong đó ½ là trâu cái, bò cái sinh sản. Do được chăm sóc tốt, đàn trâu, bò con nào cũng béo tròn nên các thương lái rất thích tìm đến mua trâu, bò của ông. Mỗi năm, ông bán đều bớt 6 đến 8 con trâu thu về gần 150 triệu đồng.
Nguồn phân trâu, bò ông sử dụng làm phân bón cho ruộng. Do chủ động được nguồn nước, đủ phân bón nên năng suất lúa khá cao. Dù ruộng chỉ cấy 1 vụ nhưng cũng đủ thóc cho gia đình ông ăn cả năm. Song song với đó, ông bà cũng nuôi thêm gà đen, nuôi lợn vừa đủ cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa có thêm khoản thu nhập từ bán gà đen. Ông Lự cũng tận dụng khe suối để đắp đập nhỏ chạy máy phát điện mini để có nguồn điện thắp sáng, sạc điện thoại di động. Giờ có điện thoại di động giúp ông dễ liên lạc với mọi người, tuy vậy mỗi khi cần gọi điện ông phải mất 15 phút để “đón sóng”. Ông cũng đã sắm đủ máy xay xát, máy băm cỏ, thái rau chạy bằng dầu diesel để giải phóng sức lao động.
Cô con gái út lấy chồng, theo về ở nhà chồng, còn lại gia đình ông Lự có 6 khẩu, có ông bà, vợ chồng anh Cao, cùng hai cháu nội. Khi lên chức ông bà, vợ chồng ông Lự có những tính toán xa hơn cho thế hệ tương lại. Sau nhiều năm tích góp, ông bà có đủ tiền mua đất ở, đất sản xuất, dựng nhà ở trung tâm thôn Cao Đường. Bước đầu, ông cho các con, các cháu "hạ sơn" để thuận tiện cho việc học của các cháu. Vợ chồng anh Cao tập trung chăm lo cho việc học của hai con, đồng thời thay nhau đi lại giúp ông bà công việc ruộng nương, chăm sóc đàn vật nuôi.
Tuy giữa sống giữa núi rừng nhưng ông Lự vẫn rất năng động, luôn đau đáu tìm hướng làm giàu bền vững. Ngoài việc nhận bảo vệ hơn 20 ha rừng, ông còn đã bỏ tiền mua 100 cây giống Ngọc Am về trồng. Qua tìm hiểu nhận thấy lợi ích kinh tế cao từ cây dược liệu, năm 2018, ông mạnh dạn đầu tư 25 triệu đồng mua giống Sa Nhân về trồng dưới tán rừng. Cây Sa Nhân thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt. Năm 2020 vừa qua, ông đã được hưởng những thành quả ngọt ngào, khi ông tỉa bán 4 vạn cây Sa Nhân giống, thu hoạch được 1 tạ quả (giá quả Sa Nhân tươi bán giá 120 nghìn đồng/kg) thu về hơn 50 triệu đồng. Sẵn giống, ông tiếp tục tỉa mở rộng diện tích trồng Sa Nhân lên hơn 1 ha.
Vợ chồng ông Lự chăm sóc vườn Sa Nhân của gia đình.
Dẫn chúng tôi đến thăm khu trồng Sa Nhân, ông Lự vui mừng bảo, cây Sa Nhân trồng ở đây được ví như “kho báu” giữa rừng. Cây này có giá trị kinh tế cao, cây dễ trồng, không tốn công chăm sóc, trồng 1 lần thu hoạch đến vài chục năm liền. Giờ nguyên bán giống cũng thu về vài trăm triệu đồng. Năm nay, ông ước cũng thu về ít nhất phải 5 tạ quả Sa Nhân, chỉ cần giá 100 nghìn đồng/ kg là đã có khoản thu khá rồi.
Sau khi cùng chúng tôi mục sở thị tìm hiểu cuộc sống, hướng làm kinh tế của vợ chồng ông Lự, anh Nông Quang Sự, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Yên bày tỏ, thật sự khâm phục sự chăm chỉ, nghị lực vượt khó, sự nhạy bén của vợ chồng ông Giàng Seo Lự. Đời sống, kinh tế của gia đình ngày một khấm khá từ chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Đặc biệt là việc ông bà đưa vào trồng thành công cây Sa Nhân đã mở hướng đi mới đầy tiềm năng. Vì tháng 3 vừa qua, HTX Rau - Thảo dược được thành lập ở thôn Cao Đường, xã Yên Thuận. Vì theo phương án phát triển, HTX này sẽ hướng tới từng bước liên kết trồng, tiêu thụ dược liệu có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây Sa Nhân. Hy vọng thời gian tới, ông Lự sẽ đóng vai trò “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết phát triển dược liệu, khai thác phát triển kinh tế dưới tán rừng, kết hợp bảo vệ rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế ở thôn Cao Đường.
Gửi phản hồi
In bài viết