Sinh thời, Bác Hồ từng dạy người cách mạng phải lấy đức là nguồn, là gốc. Người cho rằng: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Như vậy, những cán bộ nhúng chàm, bị kỷ luật, bị vào vòng lao lý là do họ còn thiếu đạo đức cách mạng nên sức yếu, không “gánh được nặng” và chẳng “đi được xa”.
Điều ấy càng đúng hơn, khi ngẫm lại lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Những cán bộ lãnh đạo bị vào vòng lao lý là vì hôm qua, họ là người tốt, nhưng hôm nay “lòng dạ không trong sáng nữa”, nên họ đã “sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Nhân dân mong muốn, bên cạnh tinh thần không ngừng tự rèn luyện của mỗi cá nhân, cần coi trọng công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng. Muốn vậy, phải hết sức chú trọng phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, kịp thời ngăn ngừa những vi phạm từ khi còn là mầm mống, giúp mỗi cá nhân không ngừng tu dưỡng, rèn luyện mỗi ngày.
Gửi phản hồi
In bài viết